Nhân Danh Tình Yêu – Chương 26

Chương 26: Anh chuyển vào nhà tân hôn trước

Thời Miểu không thể tưởng tượng được cuộc sống sau khi sống chung với Mẫn Đình như thế nào, thói quen của hai người quá khác nhau, trước hết chuyện chăn bông trên giường đã là một vấn đề lớn.

Hôm nay anh dọn giường giúp cô, thấy bừa bộn như vậy không biết lúc đó anh cảm thấy thế nào.

Cô nhanh chóng dừng suy nghĩ, dù sao lo lắng sớm cũng chẳng thay đổi được gì.

Sau khi ăn xong, vẫn là Mẫn Đình thu dọn bàn ăn.

Không có dì làm việc này thì tự anh sẽ làm.

Hiện tại trong khoa không bận gì, Thời Miểu có thể rảnh rỗi một lát, cô lấy cuốn sổ trắng và bút màu ra. Tuy đã hứa với Mẫn Đình rằng sẽ vẽ hình dạng bên ngoài trái tim và sơ đồ mạch máu cho anh khi rảnh, nhưng cả tuần nay cô quá bận nên chưa động bút.

Trước khi vẽ, cô quay đầu nhìn lại phía sau, chiếc bàn ăn đơn giản mà họ vừa dùng bữa đã được dọn dẹp sạch sẽ, Mẫn Đình lấy laptop ra đặt lên bàn, đang cúi người cắm điện.

Anh mang laptop đến đây tăng ca để ở cùng cô.

Bật máy tính lên, Mẫn Đình đi đến tủ lạnh lấy hai chai nước, để một chai trên bàn cho mình rồi mang chai còn lại cho Thời Miểu.

“Cảm ơn.”

Cô đưa tay ra định nhận, nhưng thấy anh đang nhìn chằm chằm vào góc bàn, quên mất việc đưa nước cho cô.

Thời Miểu dõi theo ánh mắt của anh, ở góc bàn là gói thuốc lá và chiếc bật lửa mà cô đang giữ hộ cho bệnh nhân giường số 22, vì lo đồng nghiệp nào đó sẽ lấy đi hút nên cô đã mang vào phòng trực.

“Của bệnh nhân, anh ta không được hút thuốc mà lại không kiềm chế được, làm trì hoãn ca phẫu thuật nên tôi đã tịch thu luôn. Sau ca mổ sẽ trả lại cho anh ta.”

Mẫn Đình cầm chiếc bật lửa có màu xanh độc đáo, màu sắc này là được đặt làm riêng, chất liệu tuyển chọn kỹ lưỡng, xác suất có hai chiếc bật lửa đặt làm riêng giống hệt nhau trên thị trường có thể có, nhưng cực kỳ nhỏ.

Anh hỏi: “Họ của bệnh nhân là gì?”

“Họ Lâu.”

“Lâu Duy Tích?” Anh hơi khẳng định.

“Anh biết anh ta à?”

“Tôi biết chiếc bật lửa này, nó là của tôi.”

“……”

Thì ra anh lấy bật lửa của Thương Uẩn là vì bật lửa của mình đã bị người khác lấy mất.

Thời Miểu kinh ngạc: “Lâu Duy Tích là bạn của anh?”

“Ừm.” Mẫn Đình nói thêm: “Căn tứ hợp viện mà em cầu nguyện là của anh ta.”

Trùng hợp như vậy sao.

Thời Miểu nói cho anh Lâu Duy Tích đã nhập viện gần một tuần.

Hèn gì mấy ngày nay không thấy anh ta đâu, ngay cả Thương Uẩn cũng đang tìm. Mẫn Đình quan tâm hỏi: “Anh ta bị sao thế?”

“Hở van hai lá nặng.”

“Sửa van hay thay van?”

Thời Miểu nhìn chằm chằm anh thêm vài giây, người bình thường ít khi biết những thuật ngữ như vậy, chắc vì bệnh tình của ông ngoại mà anh đã dành thời gian tìm hiểu.

“Sửa van, ca mổ của anh ta sẽ do chủ nhiệm bọn tôi làm.”

Nghe thấy Cố Xương Thân mổ chính, Mẫn Đình yên tâm.

Anh cầm bật lửa: “Lâu Duy Tích ở giường số bao nhiêu?”

“Giường số 22.”

Trong phòng bệnh, Lâu Duy Tích nằm trên giường nhìn chằm chằm lên trần nhà.

Vài phút trước con gái anh ta gọi điện hỏi tại sao anh ta vẫn chưa đến thăm con bé. Anh ta đành phải nói dối rằng dạo này công ty rất bận, không thể đi được, đợi rảnh sẽ qua đó ngay.

Con gái muốn gọi video với anh ta, anh ta nói không tiện vì đang họp.

Con gái hừ hừ hai tiếng, buồn bã nói: Có phải ba có bạn gái rồi không.

Đang lúc nhớ lại thì đột nhiên ánh sáng trước mắt bị một bóng đen che phủ.

Mắt Lâu Duy Tích híp lại, hoài nghi bản thân đang nằm mơ.

“Sao cậu lại ở đây?” Anh ta chống tay ngồi dậy.

“Tới báo thù giùm cho bật lửa của tôi.”

“Ha ha.”

Lâu Duy Tích thanh minh không phải anh ta lấy bật lửa: “Cậu ăn cơm ở chỗ tôi, để quên trên bàn đánh bài.” Anh ta nói rất lý lẽ: “Tôi còn chưa đòi cậu phí giữ hộ đâu đấy.”

Chiếc bật lửa để ở đó anh ta không hề sử dụng, lần này nằm viện mới cố tình mang theo.

Lâu Duy Tích: “Ban đầu tôi định trả cho vợ cậu, hôm đó cô ấy tịch thu thì tôi đưa luôn. Cậu tưởng tôi chỉ có một cái bật lửa thôi à?”

Nói xong, anh ta nhấc gối đầu lên: “Bật lửa tôi dùng ở đây này.”

Mẫn Đình nhìn xem, bên dưới gối không chỉ có một chiếc bật lửa.

“Sao anh không ở phòng VIP?” Anh hỏi.

Lâu Duy Tích: “Ở phòng thường có rất nhiều người, có bạn cùng phòng để nói chuyện.”

Mẫn Đình liếc nhìn anh ta, không nói tiếp mà hỏi: “Khi nào phẫu thuật? Mấy giờ?”

Lâu Duy Tích chầm chậm cười, nói: “Cậu muốn tới à?”

Mẫn Đình: “Coi như trả anh phí giữ hộ bật lửa.”

Lâu Duy Tích thật sự nghĩ chỉ có một mình mình ra khỏi phòng phẫu thuật rồi trở về phòng bệnh. Anh ta đã tìm hiểu về thời gian phẫu thuật, ít nhất cũng phải bốn năm tiếng, nếu chẳng may có sự cố gì thì ít nhất cũng phải sáu bảy tiếng. Anh ta ngại làm phiền bạn bè chờ đợi lâu như vậy, thế nên khi nhập viện cũng chẳng nói với ai.

Nhưng cuộc đời xám xịt cũng sẽ có những lúc loé sáng.

Cái người Mẫn Đình này, một khi chủ động hỏi han thì sẽ không pha lẫn giả dối. Bởi nếu anh không muốn làm thì đừng mong anh hé răng nói chuyện, kể cả ông cụ Giang cũng đành bó tay.

Nếu đã hỏi thời gian phẫu thuật, anh ta cũng thẳng thắn trả lời: “Sáng thứ hai, ca đầu tiên.”

Lâu Duy Tích dựng gối tựa lưng, hơi dựa người ra sau, nửa nằm nói chuyện phiếm với Mẫn Đình: “Sao cậu lại đến khoa ngoại tim mạch? Đến thăm vợ cậu à? Không phải chứ. Hai người bọn cậu không phải là không có tình cảm sao? Chuyện là thế nào?”

Mẫn Đình chê anh ta nói nhiều, đứng dậy: “Đi mà nói chuyện với bạn cùng phòng của anh ấy.”

“……” Lâu Duy Tích cười mắng hai câu.

Ngày phẫu thuật Mẫn Đình sẵn lòng chờ anh ta mấy tiếng đồng hồ bên ngoài phòng mổ, tâm trạng anh ta rất vui, dù bị chê nói nhiều anh ta cũng chẳng bận tâm.

Mẫn Đình ra khỏi phòng bệnh của Lâu Duy Tích thì gọi điện cho thư ký bảo để trống buổi sáng thứ Hai. Lâu Duy Tích là ca phẫu thuật đầu tiên của Cố Xương Thân vào ngày hôm đó, có lẽ phải đến trưa hoặc một hai giờ chiều mới kết thúc được.

Anh trở lại phòng trực, bức tranh Thời Miểu còn chưa được một phần ba.

Thời Miểu quay đầu lại: “Anh quay lại sớm thế?”

Mẫn Đình: “Không rảnh nói chuyện phiếm cùng anh ta.” Anh để bật lửa xuống gần tay cô.

Thời Miểu tưởng: “Đưa cho Lâu Duy Tích? Chờ anh ta xuất viện, tôi sẽ đưa cho anh ta.”

“Không đưa cho anh ta.” Chiếc bật lửa này anh đã dùng nhiều năm, đồ vật cá nhân không thể tùy tiện đưa cho bạn bè. Mẫn Đình ngồi trở lại trước máy tính: “Để ở chỗ em, tiếng bật lửa nghe vui tai hơn cái của Thương Uẩn.”

Hôm đó trong đám cưới của Diệp Tây Tồn, cô đã quên chuyện chiếc bật lửa nhưng anh vẫn còn nhớ rõ.

Thời Miểu cầm bật lửa lên, bật mở “tách” một tiếng, âm thanh quả thật trong trẻo hơn, cô cũng thích màu sắc của chiếc bật lửa này.

Cô không khách sáo, nhận lấy bật lửa: “Cảm ơn anh.”

Nghe tiếng quẹt mở bật lửa liên tục ba bốn lần.

Về Lâu Duy Tích, ngày hôm đó ở phòng trà tứ hợp viện, cô có nhìn thấy tranh vẽ của con gái anh ta, vậy là không phải người độc thân, chắc chắn có gia đình. Cô hỏi thêm một câu: “Lâu Duy Tích không muốn gia đình biết anh ta nhập viện phẫu thuật sao?”

“Chắc vậy. Ba mẹ anh ta đã hơn 80 rồi, vợ cũ đưa con gái ra nước ngoài ở.”

Mẫn Đình nói: “Ngày phẫu thuật tôi sẽ đến đợi anh ta.”

Sáng thứ Hai, Thời Miểu kiểm tra phòng bệnh xong thì đến khu vực người nhà bệnh nhân chờ phẫu thuật. Lúc này Lâu Duy Tích đã vào phòng phẫu thuật rồi.

Mẫn Đình ngồi ở hàng ghế cuối cùng, trên tay cầm một chồng giấy vẽ.

Cảm nhận được có người đến gần, anh ngẩng đầu lên.

“Em không bận à?” Anh đứng dậy nhích vào trong, nhường cho cô ghế ngoài.

Thời Miểu: “Tới xem một chút rồi sẽ về ngay.”

Cô nhìn vào bức tranh trên tay anh: “Đây không phải là tranh của con gái Lâu Duy Tích sao?”

“Ừ. Anh ta nói nhớ con gái nên nhờ tôi mang tranh đến cho anh ta.”

Khoảnh khắc trước khi lên bàn mổ, con người ta thường hay suy nghĩ lung tung, lo lắng sẽ không bao giờ mở mắt ra được nữa.

Lâu Duy Tích thậm chí còn để lại di ngôn cho Mẫn Đình trước khi vào phòng phẫu thuật, nếu không qua khỏi, nhờ Mẫn Đình thay anh ta thường xuyên đến thăm ba mẹ, ba mẹ anh ta không thiếu gì cả, chỉ cần nói chuyện cùng họ là được. Căn tứ hợp viện không bán, cứ để đó, nhớ giúp anh ta cho cá chép ăn.

Bức thư gửi cho con gái và vợ cũ được cất giữ trong két sắt, vợ cũ biết mật khẩu.

Thời Miểu trấn an nói: “Đối với chủ nhiệm bọn tôi thì ca phẫu thuật của anh ta không phải là ca phẫu thuật lớn, không sao đâu.”

Không có thời gian ở đây lâu, cô lấy trong túi ra một tờ giấy được xé ra từ cuốn sổ, dùng thước kẻ để xé thẳng, các góc rất đều tăm tắp.

Hình dạng bên ngoài trái tim và hệ thống mạch máu cuối cùng cũng được vẽ và tô màu xong.

Mẫn Đình nhận lấy: “Cảm ơn em.”

Thời Miểu vội vàng trở về khoa nội trú, cô còn chưa bước vào văn phòng thì đằng sau đã có người gọi cô.

“Bác sĩ Thời.”

Thời Miểu quay người lại, người nhà bệnh nhân đến tìm cô.

“Bác sĩ Thời.” Người nhà bệnh nhân tiến lại gần, ánh mắt vừa vui mừng vừa xúc động nói: “Hôm nay mẹ em đã được chuyển từ phòng ICU sang phòng bệnh thường rồi, vài ngày nữa sẽ xuất viện và chuyển đến bệnh viện phục hồi chức năng.”

Thời Miểu mừng thay cho cô ấy: “Tình hình ổn định là tốt rồi.”

“Cảm ơn chị nhé bác sĩ Thời. Gần đây ngày nào em cũng làm phiền chị, một ngày hỏi thăm mấy lần nhưng chị không chê em phiền.”

“Đừng khách sáo, chuyện nên làm mà.”

Cô gái hai mươi tuổi, một mình đưa mẹ đến phẫu thuật, ở Bắc Thành cô ấy không quen biết ai. Sau khi mẹ phẫu thuật lại nằm ở ICU nhiều ngày, sống chết chưa rõ, cô ấy lại bất lực, sợi dây cứu mạng duy nhất mà cô ấy có thể nắm lấy chỉ có các bác sĩ bọn họ.

Điều ước đầu tiên của cô ở hồ ước nguyện trong tứ hợp viện là cầu cho mẹ của cô gái đó. Tất nhiên, việc bệnh nhân có vượt qua được ca phẫu thuật hay không phải phụ thuộc vào chính họ, không liên quan mấy tới điều ước của cô.

Nhưng trong lòng cô vẫn rất vui, điều ước của cô đã thành hiện thực rồi.

Thời Miểu chia sẻ tin vui với Mẫn Đình: Điều ước đầu tiên của tôi đã thành hiện thực.

Mẫn Đình: Vậy sau này qua đó ước thêm.

Mẫn Đình: Có thể cho tôi biết điều ước là gì không?

Thời Miểu: Mẹ của một em gái đã được chuyển ra khỏi phòng ICU. Nhà em ấy là gia đình đơn thân, một mình mẹ đã nuôi nấng em ấy.

Hóa ra là điều ước dành cho gia đình bệnh nhân.

1 giờ 30 chiều, Lâu Duy Tích mổ xong, ca phẫu thuật diễn ra suôn sẻ.

Sau khi phẫu thuật lồng ngực, tất cả bệnh nhân phải được chuyển đến ICU. Mẫn Đình đang đợi Lâu Duy Tích ở cửa phòng ICU.

Đợi một lúc lâu từ khi được đẩy ra từ phòng mổ đến đây, thuốc mê vẫn chưa hết tác dụng.

Hồi ông ngoại phẫu thuật Mẫn Đình vẫn còn nhỏ, gia đình không cho anh đến bệnh viện. Hôm nay là lần đầu tiên anh thấy người mình quen khắp người toàn là dây dợ, bờ môi tái nhợt.

Trong một khoảnh khắc, anh thật sự lo lắng Lâu Duy Tích sẽ không sống nổi.

Và cũng trong khoảnh khắc ấy, anh hiểu tại sao Thời Miểu cầu nguyện thay cho người nhà bệnh nhân.

Giữa người nhà và bệnh nhân, thoạt nhìn chỉ cách nhau một cánh cửa phòng ICU nhưng đôi khi lại là cả một khoảng cách sinh tử.

Sau khi sắp xếp mọi việc cho Lâu Duy Tích xong xuôi, bận rộn đến hơn hai giờ, Mẫn Đình rời khỏi toà nội trú.

Phải đến 5 ngày sau, Lâu Duy Tích mới được chuyển ra khỏi phòng ICU.

Mà ông Thiệu – người làm phẫu thuật cùng thời điểm với anh ta vẫn đang còn hôn mê.

Trước khi lên bàn mổ, ông cụ Thiệu không có gì hối tiếc. Cháu gái lớn đã thành hôn, Diệp Tây Tồn là cháu rể mà ông rất vừa ý. Nói không có chút tiếc nuối nào cũng không đúng, đó là chuyện cháu gái út Tư Tuyền không thể liên hôn với Mẫn Đình.

Cả nhà đều nói không có gì phải tiếc, Mẫn Đình dù xuất sắc nhưng tính tình lại rất ngang ngạnh, không ai có thể khống chế được. Tất cả người lớn kể cả ba ruột của anh là Mẫn Cương Nguyên mà anh cũng chẳng nể nang dù chỉ nửa phần.

Nhưng ông cụ Thiệu không thấy vậy.

Song, dù ông ấy có ưng ý Mẫn Đình hay không thì cũng không có duyên phận kia.

Trước đêm phẫu thuật, ông cố ý dặn dò Thiệu Tư Văn: Dù ông không thể xuống được bàn mổ thì cũng đừng làm khó dễ các bác sĩ, đặc biệt là Tư Tuyền, con phải khuyên nhủ con bé.

Sức khoẻ ông khá tốt, ở ICU 10 ngày cuối cùng cũng đã tỉnh dậy.

Trưa hôm đó, lúc Thời Miểu từ phòng khám ngoại trú trở về, Khương Dương đang dựa vào bàn y tá gặm táo, bộ dạng thất thần suy ngẫm về cuộc đời.

Nhìn thấy cô đi ngang qua, anh ta nói: “Này này này, cô không nhìn thấy tôi à.”

Thời Miểu dừng chân: “Có chuyện gì thì nói nhanh đi.”

Khương Dương thẳng thắn thừa nhận: “Hôm nay tôi đã cãi nhau với người nhà của bệnh nhân giường số 58, chính là Thiệu Tư Tuyền đấy.” Anh ta không thể nhịn được nữa, chủ yếu là không muốn nhịn. Dù sao tình hình ông cụ bây giờ cũng ổn định rồi, anh ta không cần phải kiêng nể gì cả.

Thời Miểu nhìn anh ta chằm chằm: “Sau đó thì sao?”

“Cô ta nói muốn kiện tôi.”

“……” Thời Miểu không có từ ngữ nào để đáp lời.

Khương Dương hững hờ, cùng lắm thì lại viết kiểm điểm lần nữa, nghiêm trọng nhất là bị trừ toàn bộ tiền thưởng thôi.

Thời Miểu nói: “Anh chủ động đi nhận lỗi với Chủ nhiệm đi, chắc là Chủ nhiệm mắng anh vài câu rồi xong chuyện.”

Đi ngang qua văn phòng Chủ nhiệm, cô hất cằm: “Đi thôi, vào nhận lỗi đi.” Nói rồi cô gõ cửa.

Khương Dương không thể tin được: “Cô cũng vào à?”

Thời Miểu lười trả lời, được cho vào, cô đẩy cửa bước vô.

Đột nhiên Khương Dương cảm thấy Thời Miểu không tệ, có thể chung sống hoà hợp.

Ba phút sau, hai người bị mắng té tát.

Mắng đến nỗi mất cả mặt mày.

Lúc Thời Miểu đi ra cũng không quên đóng cửa lại, bởi vì vừa nãy cửa đóng, lúc rời đi không thể để mở.

Khương Dương bị mắng đến ngu người, về đến văn phòng, việc đầu tiên anh ta làm là lấy bánh dâu ở trong ngăn kéo ra, ăn liền một lúc ba cái mới tỉnh táo lại.

“Sếp Thời, muốn ăn không?” Vừa nói vừa ném một chiếc bánh dâu qua.

Đây là lần đầu tiên trong mấy tháng qua, anh ta gọi cô là “sếp Thời” một cách bình thường, không hề có chút mỉa mai châm chọc nào.

Thời Miểu trả lại bánh dâu cho anh ta, lâu lâu cô bị chủ nhiệm mắng, tập mãi cũng thành quen rồi.

Ngày ông nội xuất viện, Thiệu Tư Văn cất công mua giỏ trái cây để cảm ơn tất cả các nhân viên y tế, đặc biệt là Thời Miểu.

Trong thời gian qua, vì lo lắng ông nội không qua khỏi nên cô ấy luôn nhờ Thời Miểu giúp đi kiểm tra tình hình của ông nội ở phòng ICU, có khi một ngày phải đi mấy lần.

Dù có đi mấy lần thì Thời Miểu vẫn rất kiên nhẫn, còn cố gắng trấn an cô ấy.

Thiệu Tư Văn: “Đợi bên em hết bận, chúng ta cùng nhau ăn cơm.”

Thời Miểu: “Không cần, chị đừng để bụng, là chuyện nên làm mà.”

Làm gì có cái gọi là “chuyện nên làm”.

“Vậy em bận việc đi, không làm phiền em nữa”. Thiệu Tư Văn cảm ơn rồi vội vàng rời đi.

Vì Thời Miểu bận đón tiếp đoàn kiểm tra nên bữa ăn này cứ bị hoãn lại mãi.

Vào ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, Thời Miểu nhận được cuộc gọi từ Thiệu Tư Văn.

Hôm nay Thiệu Tư Văn đưa ông nội đến tái khám, sau khi kiểm tra, tất cả các chỉ số đều phục hồi khá tốt, tài xế đưa ông nội về trước.

Bữa cơm mà cô ấy thiếu Thời Miểu kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10 rồi, mà không mời thì lại kì.

“Bên em đã qua đợt kiểm tra đánh giá rồi, tháng này chắc không bận nữa nhỉ?”

Thời Miểu đáp: “Vẫn còn bận với hội nghị khoa ngoại tim mạch thường niên, luận văn của em được chọn nên phải chuẩn bị bài thuyết trình.”

Mẫn Đình không ở nhà, cô không muốn và cũng không thể đi ăn bữa cơm này.

Từ cuối tháng chín Mẫn Đình đi công tác nước ngoài đến giờ vẫn chưa về, đã gần hai mươi ngày họ không gặp nhau.

Thiệu Tư Văn: “Vậy không quấy rầy em chuẩn bị bài thuyết trình nữa, chúc em mọi việc suôn sẻ.” Cô ấy không định mời bữa ăn này nữa: “Sau này nếu em cần giúp đỡ bất kì điều gì thì cứ gọi cho chị, đừng khách sáo với chị. Nhà Diệp Tây Tồn là nhà Diệp Tây Tồn, chị là chị.”

Thời Miểu vẫn rất thích Thiệu Tư Văn: “Được, em sẽ không khách sáo với chị đâu.”

Vừa cúp điện thoại, Hà Văn Khiêm từ bên ngoài bước vào văn phòng.

“Tối nay Chủ nhiệm đãi cơm.” Anh ấy ra hiệu cho mọi người đọc tin nhắn nhóm.

Một phút trước, Cố Xương Thân nhắn tin trong nhóm cơm tối sẽ do ông trả, gọi món gì cũng được.

Mỗi khi tăng ca vào dịp lễ, Chủ nhiệm luôn khao mọi người.

Thời Miểu vốn định đi ăn bữa tối thịnh soạn cùng đồng nghiệp nhưng ngay trước giờ tan làm, cô nhận được tin nhắn của Mẫn Đình: Tôi xong việc sẽ qua, đợi tôi cùng ăn cơm nhé.

Thời Miểu: Anh đi công tác về rồi?

Mẫn Đình: Ừ, vừa về chiều nay.

Mẫn Đình đang trả lời tin nhắn của Thời Miểu thì mẹ anh gọi điện cho anh.

Giang Nhuế hỏi con trai khi nào rảnh, đã tháng mười rồi, đám cưới cũng không còn xa nữa, bảo con đi hỏi ý kiến ông bà nội ngoại về danh sách khách mời sẽ tham dự tiệc cưới.

Mẫn Đình nói: “Gần đây không có thời gian, con phải chuyển nhà, danh sách khách mời để tháng mười một tính sau.”

“Chuyển nhà? Dọn đến nhà tân hôn?”

“Dạ. Một số đồ đạc trong thư phòng thì con phải tự sắp xếp.”

Giang Nhuế tưởng đến ngày tổ chức đám cưới thì hai đứa mới dọn vào, chuyện của con cái bà không muốn can thiệp nhiều, chỉ hỏi: “Vậy khi nào chuyển nhà?”

Mẫn Đình: “Ngày 19 tháng này, thứ bảy tuần sau.”

Anh chuyển vào trước, đợi Thời Miểu họp thường niên xong rồi chuyển.

Giang Nhuế liếc qua lịch trình của mình trong tháng này, ngày 19 tháng 10 bà có cuộc họp ở xa, không thể về kịp.

Cúp máy, bà gửi một bao lì xì dọn sang nhà mới cho con trai.

Mẫn Đình nhận ý tốt của mẹ: Cảm ơn mẹ.

Anh làm tròn số tiền lì xì rồi chuyển sang cho Thời Miểu.

About the author

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *