NGUYỆT HƯỚNG TÂY PHƯƠNG – CHƯƠNG 9

Chương 9

Lần đầu tiên Phương Nhạc nghe thấy cái tên Trần Hề là vào giữa tháng mười hai năm ngoái. Hôm đó là thứ bảy, phải học bù buổi sáng ở trường, buổi trưa Phương Nhạc tan học về đến nhà, thì thấy cả nhà đều có mặt.

Không khi giảng dạy tại trường phổ thông Phương Mạt theo học rất thoải mái, được nghỉ hai ngày cuối tuần. Cô ấy ngủ đến khi mặt trời lên bằng con sào, thời điểm Phương Nhạc vào cửa, Phương Mạt đang cắn một que kem, như hồn ma lướt qua phòng khách, mắt rũ buồn ngủ, nói: “Chào buổi sáng em trai…”

Bà nội Phương buộc chiếc túi rác, đi từ phòng bếp ra dạy bảo Phương Mạt: “Giữa mùa Đông mà con ăn kem thế hả, còn để bụng rỗng mà ăn nữa! Đã nói với con bao nhiêu lần rồi, con gái thì ăn ít đồ lạnh thôi, đến lúc tới tháng đau bụng thì đừng có mà vật vã nhé, cho đau chết thì thôi!”

Bà nói xong bèn đưa túi rác cho Phương Nhạc: “A Nhạc con đừng vào vội, mang rác xuống lầu cho nội. Tối qua đứa nào mang đậu phụ thối về ăn thế, hôi chết đi được, ăn xong không biết đường vứt hộp đi à? Phương Quán Quân, phải con không!”

Phương Mạt đáp lại câu đầu tiên của bà nội Phương: “Con ăn kem chỉ đơn giản là để tỉnh táo đầu óc.”

“Bà búng cho con một cái vào đầu có phải con sẽ tỉnh táo hơn không?”

Mẹ Phương đeo tạp dề, tay bóc tỏi, bà thò nửa người ra khỏi phòng bếp, nói: “Mẹ, mẹ đừng sai A Nhạc đi, hôm nay lạnh lắm. A Nhạc con vừa về nên đừng xuống lầu, cứ để rác ngoài cửa, lát nữa ăn cơm xong mẹ mang xuống vứt.”

“Đàn ông con trai thì sợ gì lạnh, đón có tí gió lạnh mà cũng không chịu nổi, vậy thì sau này làm nên trò trống gì? Gia đình còn có thể hy vọng vào thằng bé nữa không?” Bà nội Phương cằn nhằn xong bèn vẫy vẫy tay, nói: “Được rồi, nghe lời mẹ con, cứ để ngoài cửa đi, lát nữa bảo ba con mang xuống lầu vứt.”

Phương Nhạc đặt túi rác ngoài cửa, cuối cùng cũng thuận lợi cởi giày vào nhà.

“Để con đi vứt, dù sao thì buổi chiều con cũng phải ra ngoài.” Ông chủ Phương bơ phờ dựa trên ghế sofa, nhận lệnh của mẹ.

Mẹ Phương nghe thấy vậy, lại đi ra cửa phòng bếp, nhìn ông chủ Phương chằm chằm, nói: “Hôm nay anh ra ngoài à? Tối qua mới ở Tân Lạc về, anh không nghỉ ngơi được lấy một chút sao, thứ bảy mà lại ra ngoài làm gì?”

“Không phải, chẳng phải hôm qua anh đã nói với em rồi mà, anh đi cùng lão Thẩm.” Ông chủ Phương đáp.

“Hừm, em chẳng cần biết anh đi cùng ai.” Mẹ Phương quay người.

Trong bếp đang làm bò kho, đúng lúc bà nội Phương phải vào xem, lại nghe thấy ông chủ Phương nói: “Thực ra tối qua anh không ngủ được mấy, anh muốn thương lượng với mọi người một việc.”

Bà nội Phương chế giễu ông ấy: “Con đừng có lại nảy ra cái ý tưởng xấu xa nào nữa đi.”

Ông chủ Phương giải thích: “Không phải ý tưởng xấu xa, con muốn làm một việc cực tốt.”

Kem que không thể hoàn toàn làm Phương Mạt tỉnh táo, nhưng câu nói này vừa dứt, đã khiến tinh thần cô ấy bị kích thích. Phương Mạt như vào đại trận: “Làm việc tốt gì thế, ba à, ba lại muốn rải tiền nhà mình đi đâu? Ba cầm tiền trong tay thì bị bỏng hay sao?”

Mẹ Phương đặt đồ ăn mới nấu xong lên bàn, ngăn con gái: “Mạt Mạt, con ăn nói với ba kiểu gì thế hả, đừng có không phân biệt trên dưới thế chứ!”

Bà Phương cũng nói: “Con có kỷ luật một chút cho bà, để ba con nói nốt đi.”

Chỉ mình Phương Nhạc vẫn im lặng từ đầu đến cuối, anh rửa tay xong thì ra ngoài đỡ đần dọn bát đũa, sau đó ngồi vào ghế bàn ăn, khoanh tay nghe mọi người nói chuyện.

Ông chủ Phương ngồi thẳng người, nói: “Mẹ, mẹ còn nhớ Trần Đại Sơn không? Là người khiếm thính trước đây từng làm việc tại nhà máy nhà mình, ông ấy có một cô con gái tên là Trần Hề, mẹ còn nhớ chứ?”

“Hề Hề?” Bà nội Phương gọi tên rất trìu mến: “Đương nhiên là nhớ rồi, sao thế, có phải con gặp bọn họ rồi không?”

“Hôm qua con về Tân Lạc mà, nên đã cố ý đến thăm bọn họ, nhưng lại chứng kiến một cảnh không thoải mái.” Ông chủ Phương xúc động kể.

“Lại ăn cơm trước đã, vừa ăn vừa nói.” Mẹ Phương nói: “Em cũng còn nhớ Trần Hề, hình như con bé bằng tuổi A Nhạc nhỉ?”

Ông chủ Phương nói: “Đúng thế, con bé nhỏ hơn A Nhạc vài tháng, cũng đang học lớp chín.”

Bà Phương thở dài: “Thời gian trôi nhanh thật, cô nhóc hồi đó thế mà đã học lớp chín rồi.”

Cả nhà ngồi ăn cơm, ông chủ Phương miêu tả lại tình hình ảm đạm hiện tại của nhà họ Trần. Mẹ mất, mắc nợ, gặp khó khăn trong việc duy trì cuộc sống, Trần Đại Sơn phải về quê, mà Trần Hề vẫn muốn tiếp tục học tập ở đây.

Cuối cùng, ông chủ Phương nói ra suy nghĩ của mình: “Con muốn đón Hề Hề về nhà mình, cũng chỉ là việc thêm bát thêm đũa thôi.”

Bà nội Phương thận trọng nói: “Đây là việc lớn.”

Mẹ Phương không mấy tán đồng: “Việc này hình như hơi quá thì phải?”

Phương Mạt nắm tay: “Nhà ta định biến thành nhà tình thương hay sao?”

“Mấy người không biết đâu, Hề Hề học rất giỏi.” Mẹ Phương múc cho ông chủ Phương một bát canh bổ máu, bảo ông ấy ăn trước, ông chủ Phương cầm thìa, nói: “Căn phòng nhà họ thuê bé như mắt muỗi, người đứng bên trong còn chẳng di chuyển nổi, lầu một ẩm ướt, vôi tường rơi mất hơn nửa, tuy nhiên một nửa mặt tường đã dán kín giấy khen của Hề Hề. Trong môi trường như vậy, mà con bé năm nào cũng xếp thứ nhất, nếu được tiếp tục ở lại, thì sau này nhất định sẽ thi đậu được vào một trường đại học tốt, còn nếu về quê, thì tương lai là điều chẳng thể chắc chắn.”

Phương Mạt vẫn bảo vệ lập trường của mình: “Môi trường nhà thuê nghèo nàn như vậy mà em ấy vẫn có thành tích tốt, nên về quê có thụt lùi cũng chẳng lùi đi là bao. Nếu đã học giỏi như vậy, thì ở đâu cũng có thể tỏa sáng.”

“Đấy là con không biết quê con bé thế nào, ở sâu trong núi thì lấy đâu ra trường cấp hai với cấp ba? Mà gia đình con bé cũng không có tiền để con bé tiếp tục đi học.”

Phương Mạt cười lạnh lùng: “Nói đi nói lại chẳng phải vẫn là cần tiền sao?”

Ông chủ Phương đặt thìa xuống, kiên nhẫn giải thích tình hình cụ thể của gia đình Trần Hề cho Phương Mạt. Ví dụ, Trần Đại Sơn chẳng còn họ hàng thân thích, nhà họ bốn người, chỉ có một người khỏe mạnh. Đi làm thêm bị bắt nạt, bị lừa lọc, một đĩa cải trắng ăn cả ngày, thế giới đối với cậu em trai là một mảng mơ hồ, Trần Hề đã phải vật lộn vất vả, nhưng lại rất lạc quan và vui vẻ.

Nhà họ Phương đến tháng mười hai là bật điều hòa ấm, trong căn phòng ấm cúng, cơm canh cũng lâu nguội hơn. Ông chủ Phương trần thuật lại bằng cảm xúc của mình, không một ai ngắt lời ông, thậm chí còn không động đũa. Lúc Phương Nhạc chuẩn bị đi xới thêm cơm, vừa mới ngẩng lên lại cảm thấy bầu không khí thế giới khốn khổ đang lan rộng khắp bàn ăn.

Khuôn mặt ông chủ Phương đầy buồn đau, thậm chí những nếp nhăn trên gương mặt bà nội Phương cũng đang viết rõ hai chữ bi thương, còn mẹ Phương thì che miệng, hốc mắt đỏ ửng. Phương Nhạc nhìn về phía Phương Mạt, hay lắm, người nãy giờ luôn nhảy dựng lên là Phương Mạt cũng đang rơi nước mắt.

Phương Nhạc không đi lấy cơm nữa, anh thở dài một hơi, đặt đũa xuống, phá vỡ bầu không khí bí ẩn này: “Ba, mấy người nhiều năm rồi không liên lạc, bọn họ làm cách nào để ba biết được tình hình của họ thế?” Phương Nhạc đặt ra câu hỏi đầu tiên.

“Ồ, phải rồi.” Nãy giờ ông chủ Phương quên mất việc này: “Trước đây, mẹ Hề đổ bệnh nằm viện, chẳng phải ba con bé phải vay mượn tiền người ta sao?”

Ba Trần quen biết một người bạn cũng là người khiếm thính, người bạn này viết giấy vay bảo ông ấy ký. Ba Trần chỉ biết viết tên của mình, lại dễ tin người, cứ thế viết tên, lăn tay lên giấy vay, đợi đến khi người thu nợ tìm đến nhà mới biết con số trên giấy vay nhiều hơn gấp nhiều lần.

Món nợ này đương nhiên là không trả nổi, Trần Hề mới đưa ba đến đồn cảnh sát, tuy nhiên việc này rất khó giải quyết. Đúng lúc, có một vị Luật sư đến đồn cảnh sát đó xử lý công việc, Trần Hề nghe thấy danh tính của đối phương, bèn hành động như người lớn, hỏi han vị Luật sư kia xem phải làm thế nào.

Luật sự ngạc nhiên trước sự lanh lợi của đứa nhỏ, nên mới giúp đỡ cô, sau này trong lúc trò chuyện, đối phương đã nói việc này với ông chủ Phương. Thị trấn Tân Lạc quê nhà nhỏ bé, tên, tuổi, còn có đặc điểm là khiếm thính, ông chủ Phương vừa nghe đã đoán ra ngay.

“Là cậu của con nói với ba, nên ba mới biết việc này, vì vậy hôm qua ba đã cố tình đến đó một chuyến.” Ông chủ Phương nói.

Cậu Phương là Luật sư, tốt nghiệp cử nhân, những vụ án nhận được đều là ba cái án lặt vặt, ông ta không có năng lực gì giỏi, tuy nhiên không nói chuyện vật chất. Mà cậu Phương cũng là người có bản lĩnh nhất trong tất cả người thân thích của nhà họ Phương.

Phương Nhạc lại hỏi: “Chính xác là bọn họ nợ người ta bao nhiêu tiền?”

Ông chủ Phương đáp: “Tám nghìn tệ.”

“Tám nghìn?” Phương Mạt nước mắt lưng tròng, nghẹn ngào nói: “Sao nợ có tám nghìn mà như thể không sống nổi nữa thế?”

Phương Mạt vẫn có nhận thức ngây thơ của một “tấm chiếu mới”, mấy người lớn đều đã từng trải, một đồng cũng có thể đánh gục anh hùng, một trăm đồng có thể ép người ta phải chết.

Phương Nhạc không để Phương Mạt đưa chủ đề đi xa, anh lại hỏi: “Ba, có phải ba đã trả món nợ này hộ người ta rồi không?”

“Đúng thế.”

“Vậy nên bây giờ nợ nần của họ đã được xóa sạch rồi?”

“Đúng thế.”

“Có phải cuộc sống của họ sẽ chẳng có gì khác với trước đây, vẫn khó khăn vậy không?”

“Đúng thế.”

“Trước đây, họ khổ sở như vậy nhưng vẫn sống được.”

“Phải rồi.”

“Thế tại sao tương lai cũng khó khăn như thế, mà bọn họ lại nghĩ rằng mình không thể sống nổi?”

“Đúng…” Ông chủ Phương nghẹn họng.

Phương Nhạc đưa ra lời tổng kết: “Ba, sau khi gia đình giải tỏa đền bù, thì bên cạnh mọi người luôn xuất hiện những người đủ kiểu khốn khổ. Mọi người lương thiện là việc tốt, tuy nhiên làm việc thiện cũng cần phải có điểm mấu chốt.”

Cuối cùng, ông chủ Phương cũng hoàn hồn, ông giải thích: “Không phải, ba phải nói rõ hơn một chút. Trước đây, khi làm việc tại nhà máy của nhà chúng ta, gia đình họ đã tiết kiệm được ít tiền, sau này, nhà xưởng phá sản, với tình hình của họ thì về cơ bản là không kiếm được công ăn việc làm ổn định. Mấy năm gần đây, chỉ dựa vào vài công việc lặt vặt, cộng với số tiền tiết kiệm trước đó tằn tiện sống qua ngày, bây giờ tiền tiết kiệm cạn kiệt, việc lại không kiếm được, trong nhà lại mất đi một người lao động. Ba con không phải kẻ ngốc, nên vẫn có thể nhìn ra điểm này.”

Phương Nhạc lại hỏi ông ấy: “Vậy ba còn nhớ chuyện có một năm ba mua về một giỏ quýt không?”

“Há…” Quả thực là ông chủ Phương vẫn còn nhớ sự việc này.

Năm đó, Phương Nhạc mười một, mười hai tuổi, ông chủ Phương và anh đang trên đường về nhà, vô tình gặp ông cụ bày hàng bán quýt. Trời lạnh nền đất buốt, ông cụ mặc chiếc áo bông rách, ông chủ Phương thấy ông cụ đáng thương, bèn mua một giỏ quýt. Phương Nhạc khuyên rằng mua nhiều ăn không hết, ông chủ Phương lại nói nhìn chỗ quýt này ngon, mua về chia cho nhà cậu Phương một nửa.

Kết quả là, về nhà chia quýt, mới phát hiện nửa bên dưới đều là quýt dập, vì vậy, về vấn đề này thì mắt nhìn của ông chủ Phương quả thực là không mấy tinh tường.

Ông chủ Phương không muốn bị con trai đả kích nữa, ông chuyển sang kiếm mẹ mình quyết định: “Mẹ, mẹ có đồng ý đón Trần Hề về không?”

Bà nội Phương còn chưa lên tiếng, thì người ban đầu phản đối kịch liệt nhất là Phương Mạt lại bỏ phiếu trước: “Đón đi, đương nhiên là phải đón em ấy về rồi, nhà em ấy tội nghiệp quá, hu hu hu…”

Phương Nhạc ngồi bên cạnh cô ấy: “…”

Bà nội Phương có chút vội vàng: “Đón con bé về đây ngay, đứa nhỏ này, mẹ không biết mấy năm nay con bé sống thế nào?”

Mẹ Phương cũng gật đầu: “Vậy thì trước tiên cứ đón về nhà đã, dù sao cũng chỉ là thêm bát thêm đũa thôi mà.”

“Con không đồng ý.” Trên bàn ăn chỉ có một giọng nói thờ ơ không đồng nhất với bọn họ.

Tất cả mọi ánh mắt đều hướng về phía Phương Nhạc.

Bà nội Phương coi cô như người nhà, bèn nghiêm túc nói: “A Nhạc, Trần Hề khác với những người trước đây. Bây giờ nhà mình cũng chỉ thêm có một người, thêm chút chi phí đối với gia đình chúng ta mà nói là không đáng là bao. Tuy nhiên với Trần Hề, thì cuộc sống tương lai của con bé có thể khác, sau này, con bé bán hàng rong hay làm nhân viên văn phòng, rất có khả năng đều dựa vào việc lần này.”

Phương Nhạc nhấn mạnh: “Trước đây, mọi người cho họ việc làm, bây giờ lại giải quyết nợ nần cho họ, vậy là quá đủ rồi. Cuộc sống là của cô ấy, chúng ta không buộc phải có trách nhiệm, con vẫn giữ nguyên câu nói đó, làm việc thiện cần có điểm mấu chốt, tránh việc bản chất con người được đằng chân lân đằng đầu.”

Phương Mạt không nghe nổi nữa, cô ấy nắm chặt tay lần nữa, giận giữ quát: “Phương Nhạc, em là cái đồ lòng dạ sắt đá!”

“…”

Ngày hôm đó, ngoại trừ Phương Nhạc, cả gia đình đều đã thống nhất đón Trần Hề về, cứ thế cho đến hôm nay, theo nhà họ Phương, thì Phương Nhạc vẫn còn đang phản đối sự xuất hiện của Trần Hề.

Bên ban công, Phương Nhạc nhìn vào đôi mắt phía xa kia, anh lấy sự im lặng làm câu trả lời. Bà nội Phương sâu sắc nói: “Con bé đã đến nhà chúng ta rồi, sau này coi như sẽ ở lại lâu dài, con nên hòa đồng hơn với con bé, rồi sẽ biết con bé là một đứa trẻ rất ngoan.”

Phương Nhạc nhớ lại việc “thảo luận” mua quýt mà anh nhắc đến ngày hôm đó, thực ra câu chuyện này vẫn còn phần sau.

Một giỏ quýt, một nửa bên dưới bị dập nát, Phương Nhạc cho rằng nên quay lại tìm ông cụ đó để trả hàng, nhưng ông chủ Phương lại nói thôi bỏ đi, người già khó khăn, có thể đối phương cũng có cái khó của họ. Những quả quýt dập không hề vứt đi, khi ấy, nhà họ mới trải qua thời kỳ đen tối, đón nhận lần giải tỏa đền bù thứ hai, bà nội Phương tiết kiệm thuộc hàng cao siêu, nên đang nghĩ xem có thể cứu được đống quýt dập đó không.

Chiều hôm ấy, Phương Nhạc ra ngoài chơi, anh lại gặp ông cụ một lần nữa ở nơi khác gần đó, mới biết ông cụ đã đổi địa điểm bày bán. Phương Nhạc ngẫm nghĩ, rồi về nhà xách theo giỏ quýt hỏng đi đến trước sạp hàng của ông cụ. Anh nói ra mục đích đến đây vì muốn trả lại hàng của mình, nhưng ông cụ cảm thấy chỗ quýt này không phải của ông ta, còn ôn tồn hỏi liệu có phải anh nhầm lẫn hay không?

Phương Nhạc đáp rằng anh không nhầm, đôi tay ông cụ run rẩy, mồm nói lắp bắp, như thể đã chịu nhượng bộ, ngậm bồ hòn làm ngọt. Ông ta hy vọng Phương Nhạc tốt bụng, nên đền cho anh thêm ít quýt, còn tiền có thể không trả lại được không?

Mọi người xung quanh từ từ tập trung lại, nhìn thấy một ông cụ lớn tuổi ăn mặc rách rưới, và một chàng thiếu niên vẻ ngoài hào nhoáng, bèn khuyên nhủ Phương Nhạc hãy cầm ít quýt về rồi bỏ qua, dù sao thì cũng không chịu thiệt. Có người chứng kiến từ đầu tới cuối, tỏ lòng chính nghĩa bảo Phương Nhạc đừng ức hiếp người già, cũng có người nói một giỏ quýt đáng bao nhiêu tiền, bảo Phương Nhạc ăn mặc toàn đồ tốt là vậy, có tiền mà chi li tính toán thế sao?

Đương nhiên, cũng có người tin rằng trẻ nhỏ thì không nói dối như vậy, tuy nhiên nếu cứ so đo với một người lừa gạt lớn tuổi thế này, thì cuối cùng chắc chắn chẳng được tích sự gì, không bằng đừng đào sâu những việc cỏn con đó.

Kết luận cuối cùng của tất cả mọi người đều là “thôi bỏ đi”, nhưng rõ ràng Phương Nhạc chỉ đưa ra một yêu cầu hợp lý nhỏ mà thôi.

Cậu bé mười một, mười hai tuổi bị đám đông vây quanh, lại liên tưởng tới mười tháng đen tối trước đó, khiến cậu nhận ra một điều rằng: Có rất nhiều cách bảo vệ kẻ yếu, thậm chí đến những quy tắc xã hội cũng có thể vì họ mà thay đổi, khi anh sử dụng quyền lợi đáng có của mình với một kẻ yếu, thì thời khắc đó, rốt cuộc ai mới thực sự là kẻ yếu?

Sủi cảo đã gói được hơn phân nửa, Phương Mạt ở bên này gọi to: “Nội ơi, bây giờ nấu được chưa ạ?”

“Con vào đun nước đi.” Cuối cùng, bà nội Phương dành cho Phương Nhạc một ánh mắt cảnh cáo, bảo anh phải hòa thuận với Trần Hề. Sau đó, bà ấy vừa nói vừa đi vào phòng bếp: “Còn bao nhiêu vỏ bánh?”

Phương Mạt cầm ấm đun nước tiếp lời: “Còn khoảng một nửa ạ.”

“A Nhạc, con có ăn hết được không? Nếu được thì nội sẽ gói cả luôn.” Bà nội Phương đứng trong bếp lớn tiếng hỏi.

Cửa phòng bếp đã đóng, bếp tích hợp được bật, tiếng hút mùi kêu to, Phương Nhạc đi ra từ ban công nên không nghe thấy câu hỏi.

Bên bàn ăn chỉ còn mình Trần Hề vẫn đang gói sủi cảo, Trần Hề hỏi hộ bà nội Phương: “Bà nội hỏi anh có ăn hết được chỗ sủi cảo này không?”

“… Ừm.” Phương Nhạc đáp lại.

Trần Hề vừa không ngừng gói, vừa tin tưởng gật đầu: “Tôi cũng nghĩ là được.”

Bàn tay cô di chuyển rất nhanh, gói sủi cảo cũng đâu vào đấy, Trần Hề vô cùng tự lập, sau khi vào một môi trường mới, bất luận là ngồi xe hay đi bộ, thì cô lúc nào cũng học thuộc đường. Mặc dù không biết nhiều về phòng bếp, nhưng cô lại giỏi quan sát, làm việc cẩn thận, cố gắng hết sức tìm hiểu thói quen của nhà họ Phương. Cô làm việc có trật tự, cũng rất đúng mực, mua đồ không quá keo kiệt cũng chẳng vượt mức.

Quả thực lực học của Trần Hề giỏi, giảng bài cũng kiên nhẫn, cô không kiêu ngạo, chẳng nịnh nọt, vài ba lần là có thể hòa đồng với người khác, đến cả Lưu Nhất Minh mặt lúc nào cũng song song với trời còn có thể ngoan ngoãn nghe lời cô.

Bà nội Phương hỏi Phương Nhạc thấy thế nào về Trần Hề.

Không đủ ăn nhưng biết lễ nghĩa, chẳng đủ mặc nhưng có danh dự, biết xấu hổ, Trần Hề được mọi người yêu thích, mấy người trong nhà họ Phương đều quan tâm đến cô. Ngay cả Phương Nhạc cũng sắp quên mất những gì bản thân từng nói.

Anh đứng trong cửa kính ban công, nơi đây cách xa bàn ăn, anh nhìn động tác nhanh thoăn thoắt của Trần Hề, mái tóc buộc đuôi ngựa đang rủ xuống vai cô. Có vài vị Bồ Tát sống trong gia đình này, khi mà các vị Bồ Tát ấy đều nghiêng về phía cô, thì Phương Nhạc nghĩ rằng, chỉ có đứng quan sát từ xa, mới có thể tỉnh táo và khách quan.

Chương 8

Chương 10

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *