NGUYỆT HƯỚNG TÂY PHƯƠNG – CHƯƠNG 2

Chương 2

Trong đống sách cũ của Trần Hề có một cuốn nhật ký được viết hàng tuần. Khi còn học sơ trung, sau khi được phân lớp, giáo viên chủ nhiệm lớp sẽ thu lại mỗi tháng một lần, giáo viên yêu cầu không cần biết nội dung bên trong nhiều hay ít mà chỉ cần viết ra suy nghĩ của bản thân. Trần Hề vẫn luôn tiết kiệm giấy, một quyển vở mà cô viết được tận hai năm, tháng cuối cùng của kì cuối năm thứ 3, quyển nhật kí hằng tuần đã không được nộp lên.

Cuối dòng nhật ký được cô bắt đầu viết như sau:

“Ngày đầu tiên năm 2011, rất hỗn loạn.”

Ngày đầu tiên của năm vừa lúc vào thứ bảy, Trần Hề đã thu dọn cặp sách từ sớm, và ngồi trong phòng trọ, chờ ông chủ Phương tới đón.

Gian phòng thuê này rất nhỏ, vốn dĩ trước kia ở ngoài cửa có rất nhiều đồ dùng dụng cụ nhà bếp được chất đống ở đó nhưng hiện tại chỉ còn chừa mấy thứ mà cô có thể sử dụng được. Trong tủ quần áo còn dư lại mấy bộ quần áo bốn mùa của Trần Hề, số lượng cũng không nhiều lắm, bình thường hầu như cô đều mặc đồng phục. Có một chiếc bàn gấp vừa dùng để làm bàn ăn cũng vừa làm bàn học, trong phòng rất nhỏ nên khi không cần sử dụng sẽ được gấp gọn dựa vào tường.

Còn có một chiếc giường tầng, cô và em trai sẽ ngủ bên trên còn ba mẹ sẽ ngủ bên dưới.

Buổi sáng Trần Hề nấu một ít cháo loãng ăn cùng với dưa muối, lúc sau cô ngồi ở giường dưới đợi người tới. Cô ngồi đợi đến tận lúc mặt trời đã treo lên cao mà vẫn chưa thấy ông chủ Phương ngọc thụ lâm phong tới.

Trần Hề xoa ngón tay hồi lâu rồi lại xoa lên bụng mình, cuối cùng cô dứt khoát cầm lấy bài thi bắt đầu chìm đắm trong đó, vừa làm là làm thẳng đến khi ánh mặt trời khuất bóng. Cô cũng không bật đèn, trong lúc đôi mắt vẫn luôn dán vào bài thi thì cuối cùng cô cũng nghe thấy được tiếng gọi tràn trề sinh khí ở bên ngoài cửa vọng vào: “Hề Hề, cháu có ở trong phòng không…”

Trần Hề lập tức vui tươi hớn hở xách theo cặp sách đi ra ngoài.

Ông chủ Phương vừa tròn bốn mươi tuổi, tóc xịt keo tạo kiểu, mặc trên người một chiếc áo lông rộng rãi, cầm trong tay một chiếc túi da thật, dưới chân đi đôi giày da bóng loáng nhưng bị dính một chút bùn đất, lúc này thần sắc của ông ấy có hơi ảm đạm.

Ông chủ Phương mày rậm mắt to đường nét cũng rất nhu hòa, trời sinh có khuôn mặt thư sinh trắng trẻo, rất phù hợp với phong cách ăn mặc này.

Trên đường đi ông ấy giải thích cho Trần Hề nghe nguyên nhân tới muộn: “Hôm nay bà nội Phương của cháu nằm viện, trong nhà lại có chút việc. Có phải cháu đã chờ lâu lắm rồi không, cháu đã ăn cơm chiều chưa?”

“Cháu còn chưa ăn cơm chiều, bà nội Phương bị bệnh gì ạ?” Trần Hề quan tâm hỏi.

“Là bệnh của người già thôi, không có vấn đề gì đâu, nghỉ ngơi tĩnh dưỡng một thời gian là khỏi” Ông chủ Phương hơi ậm ờ cho qua rồi lại tránh nặng tìm nhẹ nói sang chuyện khác: “Ba cháu về đến nhà chưa, mấy ngày nay có liên lạc với ông ấy không?”

“Đã về đến nhà rồi ạ, cháu có gọi điện thoại qua cho bác Tưởng rồi.”

Sở dĩ phải gọi điện thoại cho bác Tưởng là bởi vì ba của Trần Hề là người điếc, không thể nghe không thể nói cũng không biết chữ. Nhà họ Trần chưa từng mua di động bao giờ, mà có bỏ tiền ra mua cũng vô dụng.

Ba Trần là người điếc bẩm sinh còn mẹ Trần về sau mới bị điếc, xung quanh hai người chỉ có bốn bức tường, gia cảnh nghèo khó, mối quan hệ xung quanh cũng không có nhiều, vừa đơn thuần lại thiếu hiểu biết, trong cuộc đời có họ, chuyện lợi hại nhất mà bọn họ làm được cũng chỉ có ba việc.

Thứ nhất, bởi vì thiếu hiểu biết nhưng lại gan dạ, kết quả sinh ra Trần Hề có đầy đủ thính lực.

Thứ hai, là vào hơn mười năm trước bọn họ đã đi theo một người đồng hương là bác Tưởng rời khỏi vùng núi sâu nghèo khổ đi vào một trấn nhỏ ở phương nam làm công.

Thứ ba, là khi bà nội Trần mất, bọn họ đã đưa Trần Hề một đứa trẻ mới chỉ bảy tuổi ra khỏi vùng núi sâu, vào thị trấn.

Cũng từ đây Trần Hề mới nhận biết được một thế giới đầy màu sắc bên ngoài vùng núi sâu, và cũng quen biết với ông chủ Phương nổi tiếng lương thiện.

Mấy năm đầu ba mẹ Trần vào trấn Tân Lộc làm công cũng chỉ có thể tìm được mấy công việc vụn vặt để duy trì kế sinh nhai. Vốn dĩ người khuyết tật tìm việc đã khó hơn người bình thường, càng không cần nói đến việc bọn họ còn không thể giao tiếp được với người khác. Tìm việc làm vô cùng khó khăn, sau này bọn họ gặp được một người cực kỳ tử tế là ông chủ Phương đã khiến cuộc sống sinh hoạt của bọn họ được ổn định hơn, cũng khiến bọn họ có lá gan mang theo Trần Hề bên người.

Trần Hề hiểu ngôn ngữ ký hiệu của ba mẹ, ngoài thời gian đi học thì phần lớn thời gian cô đều ở nhà xưởng của nhà họ Phương để thay ba mẹ lên tiếng.

Các con của ông chủ Phương đều đang học tiểu học ở trên tỉnh lị cho nên ở trong nhà xưởng chỉ có một mình cô là trẻ con. Hàng ngày ông chủ Phương và bà nội Phương đều mang theo đồ ăn ngon cho cô, còn trêu chọc cùng cô, cùng cô nói chuyện, khiến cô tò mò về nhiều thứ.

Từ nhỏ cô đã không sợ người lạ, mỗi ngày cô đều ở đó ngồi nghe các cô, các chú, các bác kể chuyện xưa, nói chuyện đàm tiếu đủ thứ. Cô cũng biết ông chủ Phương anh tuấn đẹp trai thuộc thành phần giải toả nông thôn nhị đại, còn mẹ ông ấy thuộc thành phần nhất đại (*). Nhà xưởng và tiền đều nằm trong tay mẹ ông ấy nhưng cả em trai em gái của ông chủ Phương lại rất muốn đoạt lấy nó.

(*) Thành phần nông thôn nhị đại/ nhất đại: Ý chỉ những người trở nên giàu có nhờ được nhà nước đền bù tiền đất sau khi thành phố mở rộng cải cách.

Người nhà họ Phương lại là kiểu người dễ nghe, dễ mềm lòng, sau khi đột nhiên giàu có thì ai bên ngoài muốn vay tiền cũng cho.

Ông chủ Phương lại là người đào hoa nên bà chủ phải thường xuyên theo dõi, canh chừng..

Chỉ đáng tiếc sau khi cô nghe được những chuyện đàm tiếu này, khoảng hai ba năm sau thì nhà xưởng của ông chủ Phương phải đóng cửa, nhà họ Phương phá sản phải chuẩn bị bán phòng, bán xưởng đi trả nợ.

Sau khi Trần Hề được mười tuổi cũng không gặp lại người nhà họ Phương nữa. Nửa tháng trước mới bắt đầu gặp lại, tình cờ ông chủ Phương biết được mẹ Trần bị bệnh qua đời, vì để chữa bệnh cho mẹ Trần mà ba Trần ba đã thiếu một đống nợ của người ta. Sau khi xưởng của ông chủ Phương phá sản, bọn họ cũng không tìm được công việc nào an ổn, bọn họ ở trấn Tân Lạc không nổi nữa nên ba Trần chuẩn bị về lại núi trồng trọt.

Nhưng Trần Hề vẫn còn ở đây học lớp chín, tuy rằng cũng không biết tương lai thế nào nhưng chắc chắn sẽ tươi sáng hơn.

Ông Phương tốt bụng trông thấy Trần Hề gầy gò đến mức suy dinh dưỡng mà lệ rơi lã chã. Ông ấy vỗ ngực hào hùng nói tạm thời cứ để Trần Hề đến nhà ông ấy để ông ấy chăm sóc, chuyện về sau để sau này lại nói.

Ông chủ Phương tốt bụng lại lần nữa làm việc thiện, sự tình đã định nhưng ba Trần cũng không thể đi xa một mình. Vừa lúc bác Tưởng đồng hương cũng muốn về quê, ba Trần cũng không thể chờ đến lúc Trần Hề kết thúc học kỳ, nên mấy ngày trước ba Trần đã đưa em trai năm tuổi của Trần Hề về quê trước, Trần Hề và ông chủ Phương đã hẹn nhau hôm nay ông tới đón cô.

Gia đình ông chủ Phương đã chuyển đến thành phố Hà Xuyên từ lâu. Hà Xuyên cách trấn Tân Lạc không xa, chỉ cách một tiếng rưỡi lái xe.

Hai người già trẻ cũng có rất nhiều đề tài để nói chuyện. Nửa đường ông chủ Phương còn đưa cho Trần Hề một chiếc bánh hamburger thịt bò ba lớp đóng gói cùng nước chanh. Lúc về đến nhà, ông chủ Phương nói chuyện còn chưa đã thèm, Trần Hề mắt nhắm mắt mở mang theo cái bụng nhỏ phình to đi theo phía sau ông ấy như cái đuôi nhỏ.

“Trong nhà có một chị gái và một anh trai, chị gái lớn hơn cháu một tuổi đang học lớp mười, anh trai lớn hơn cháu mấy tháng cũng đang học lớp chín.” Ông chủ Phương vừa đi vào thang máy vừa giới thiệu.

Nhà của ông có kết cấu song lập hai tầng bốn phòng, lúc trước khi tới Hà Xuyên mua phòng bọn họ có từng suy xét đi mua biệt thự.

Nhưng ông chủ Phương lại có ba anh em, nếu như mua như vậy thì có hơi trắng trợn táo bạo, lại bị coi là nhất bên trọng nhất bên khinh. Bà nội Phương suy nghĩ cặn kẽ, tuy rằng khoảng tiền đền bù phá bỏ và di dời là cơn gió to thổi tới nhưng bà cũng rất sợ lại bị gió to thổi đi. Nông dân gian khổ tiết kiệm mới là quốc sách đúng đắn, vì thế bà vung tay quyết định vẫn nên để mỗi người một nhà lầu cho bớt việc.

Cửa thang máy mới vừa mở ra, bọn họ đã nghe một tiếng “rầm” vang lớn. Vốn dĩ Trần Hề đã rất ít khi đi thang máy nên cô còn tưởng rằng thang máy đang chuẩn bị rơi xuống, trái tim lúc đó cũng muốn nhảy nhót theo luôn.

Ngay sau đó cô lại nghe thấy có tiếng rống giận dữ của một cô gái: “Phương Nhạc, mẹ sinh ra chó còn hơn đi sinh ra mày, mày không phải là người, mày làm như vậy là vì muốn sống với con tiện nhân kia thì mày mau cút ra ngoài cho tao!”

Ông chủ Phương lên tiếng “Làm sao vậy, làm sao vậy”, sau đó sốt ruột hoảng hốt chạy ra thang máy. Chân ngắn nhỏ của Trần Hề cũng chạy đi theo vừa lúc trông thấy một cô gái đang lao ra khỏi cửa, nước mắt nước mũi giàn giụa, khàn cả giọng: “Các người đều cút cho tôi…”

Chị ấy gào thét muốn mọi người đều cút đi nhưng kết quả lại tự chị ấy bỏ đi. Cô gái đẩy ông chủ Phương ra cũng chẳng thèm đi thang máy mà chạy về phía cầu thang bộ.

Ông chủ Phương cũng không kịp nhiều lời chỉ mở rộng cửa để Trần Hề đi vào rồi nói: “Cháu vào nhà trước đi, chờ lát nữa chú lại quay lại sau!” Vừa nói ông ấy vừa đuổi theo sau, bóng dáng hai ba con lớn giọng khoa tay múa chân khuất sau cầu thang bộ.

Trần Hề chần chờ một lúc cuối cùng vẫn nghe theo lời nói của ông chủ Phương mà đi vào trong cửa, thẳng cho đến lúc cô nhìn thấy “Phương Nhạc” trong miệng cô gái kia.

Đèn đuốc trong phòng khách sáng trưng, ánh đèn vàng xa hoa được trang trí khiến trong phòng càng sáng sủa tới cực hạn, dưới ngọn đèn thuỷ tinh hoa lệ có một thiếu niên cao gầy đang đứng ở đó.

Trong phòng có hệ thống sưởi dưới sàn, thiếu niên mặc trên người chiếc áo thun mỏng dài tay sáng màu cùng một chiếc quần dài. Dường như chiếc áo thun trên người đã bị người ta xé rách nên cổ áo rũ xuống quá mức để lộ ra một bên bả vai dài thẳng cùng xương quai xanh rõ ràng. Mái tóc rũ xuống trên trán che đi một chút đuôi mắt, trên khuôn mặt tuấn tú là đôi mắt hạnh nhân đang hờ hững nhìn chằm chằm về phía Trần Hề.

Trần Hề ngẩn người, trong lúc nhất thời cũng không biết phải nói gì. Khoé mắt cô chú ý tới trên sườn tay Phương Nhạc hình như có một vệt đỏ hồng đang chú ngự ở đó. Trần Hề chăm chú nhìn lại quả nhiên thấy rõ trên mu bàn tay trái của người kia có một vệt đỏ rõ ràng, vệt đỏ đó đang thấm máu ra bên ngoài, còn bên chân Phương Nhạc đang có một đống mảnh sứ vỡ tan tành.

Trần Hề đi lên, vừa định mở miệng nói “Tay anh bị thương”, cũng thuận tiện muốn tự giới thiệu một chút nhưng kết quả cô vừa mới đi được hai bước đã trông thấy Phương Nhạc nhìn chằm chằm cô nói: “Đừng tới đây!”

Không phải giọng vịt đực, giọng nói của anh rất từ tính sạch sẽ.

Hoá ra anh cũng không hề lãnh đạm giống như vẻ bề ngoài, trong giọng nói của anh còn ẩn chứa sự tức giận không thèm che giấu. Không biết có phải là ảo giác của Trần Hề hay không mà thậm chí cô còn nghe ra được anh có hơi chán ghét cô.

Cô cũng chỉ vừa mới đến, cũng chưa đắc tội gì với anh mà?

Trần Hề án binh bất động.

Phương Nhạc làm lơ sự xâm nhập của người lạ, chỉ lo tự mình đi đến bên bàn trà khom lưng xách thùng rác lên sau đó quay trở lại vị trí ban đầu. Anh nửa quỳ xuống nhặt từng mảnh sứ lên, tốc độ của anh không nhanh không chậm, toàn bộ quá trình đều cúi đầu xuống, tiếng va chạm của mảnh sứ vang lên thanh thúy, dường như tiếng vang này là âm thanh duy nhất trong không gian rộng lớn.

Nhặt xong mảnh sứ, Phương Nhạc lại đi vào phòng bếp gần đó rửa tay. Sau khi trở về phòng khách, anh lại đi lên lấy một hòm thuốc từ dưới ngăn kéo tủ TV ra tự bôi povidone lên miệng vết thương của mình, tay trái tự quấn băng gạc lại. Anh cúi đầu cắn một bên, sau khi thắt nút xong lại thong thả ung dung dọn dẹp lại đồ đạc đã dùng xong rồi thả lại hòm thuốc vào chỗ cũ.

Trước khi lên lầu, cuối cùng Phương Nhạc cũng nghiêng đầu nhìn về phía Trần Hề, cơn tức giận dường như cũng nguôi ngoai trong quá trình dọn dẹp và và quấn vết thương nhưng vẫn còn sót lại một chút. Anh mở miệng nhắc nhở: “Về sau cách xa tôi ra một chút.”

Cảm xúc phập phồng nghe ra cũng không lớn nhưng hiện tại Trần Hề có thể xác định Phương Nhạc chán ghét cô không phải là ảo giác của cô. Cô miệng nhanh hơn não, buột miệng thốt ra: “Cách bao nhiêu thì tính là xa?”

Phương Nhạc đang đi lên lầu cũng hơi dừng lại, anh chậm rãi nghiêng người liếc mắt nhìn cô.

Lời cũng đã nói ra, Trần Hề chớp chớp mắt, khiêm tốn thỉnh giáo: “Có phạm vi cụ thể không?”

Trong giọng nói cũng cố ý không thèm che giấu sự chán ghét giống như anh.

Phương Nhạc nghiêm túc đánh giá cô cũng nghiêm túc đưa ra câu trả lời: “Khoảng cách như hiện tại.”

Tính từ đầu cầu thang đến vị trí chỗ Trần Hề, Trần Hề đánh giá khoảng mười mười mét, cô gật đầu: “Được thôi!”

Phương Nhạc: “…”

Trên đỉnh của phòng khách được thiết kế rỗng, đứng từ tầng hai nhìn xuống không sót thứ gì. Phương Nhạc đi đến lầu hai, cách một tấm lan can bằng kính anh đứng từ trên đó nhìn xuống trông thấy Trần Hề cũng không ở yên tại chỗ, cô nhìn đông ngó tây một hồi sau đó lại lui về phía sau đi tới bên cửa chính ra vào.

Cửa chính vẫn luôn không đóng, cô đeo cặp sách dựa người vào ngoài cửa đứng đó. Phương Nhạc đứng yên vài giây sau đó mới đút tay vào túi quần đi trở về phòng ngủ của mình.

Trên cầu thang cũng không có âm thanh gì truyền tới, Trần Hề cũng không biết ông chủ Phương đi đâu, bao lâu mới trở về. Cô vẫn luôn đứng ở cửa, có thể do đứng trong phòng máy có lò sưởi nên cũng không thấy lạnh chút nào.

Nhưng cô không biết để máy sưởi như vậy sẽ phải mất bao nhiêu tiền. Sau khi đứng đó một lúc, cô lại nhẹ nhàng chạm vào cánh cửa nhưng vẫn không đóng thật, nhưng mà làm thế này sẽ không hưởng ké được máy sưởi nên Trần Hề chỉ biết đút hai tay vào trong túi áo.

Sợi bông trên tay áo bồng bềnh, cô chán muốn chết mà đưa tay ra nghịch, đứng lâu lại mỏi chân nên cô lại ngồi xổm xuống một lúc.

Cứ như vậy ngồi xổm một lúc rồi lại đứng lên, Trần Hề chờ khoảng tầm một giờ cuối cùng cũng chờ được ông chủ Phương trở về.

Ông chủ Phương trở về một mình, Phương Mẫn lòng đầy căm phẫn mà suýt chút nữa muốn ra tay giết ba. Ông chủ Phương không dám hung dữ với con gái mà chỉ luôn cảm thấy cổ lạnh căm căm. Phương Mẫn kêu la muốn đi qua với mẹ, hiện tại mẹ cô ấy đang ở nhà của cậu Phương Mẫn, ông chủ Phương chỉ có thể căng da đầu lái xe đưa Phương Mẫn qua đó.

Cậu Phương không ở nhà, lúc mợ Phương đi xuống lầu đón người còn trợn trừng với ông chủ Phương. Ông chủ Phương không có tự tin cãi lại, phải mãi đến khi mợ Phương chuẩn bị đi lên mới nói một câu không lựa lời: “Phương Nhạc cũng thật là, một đứa trẻ ngoan như vậy lại bị anh dạy hư, hiện tại tính tình cũng giống y như anh, nó đối xử với mẹ nó như vậy cẩn thận bị thiên lôi đánh xuống!”

Ông chủ Phương nghe thấy lời như vậy lại cảm thấy không vui, đang muốn gân cổ lên nói đã thấy Phương Mẫn mở miệng bênh vực người mình trước ông ấy một bước: “Mợ!”

Mợ Phương nói: “Mợ nói sai sao? Cháu đúng là cái đứa không có lương tâm, không phải mấy ngày nay cháu vẫn luôn kêu trời kêu đất mắng A Nhạc sao?”

“Cháu mắng là chuyện cháu mắng, sao mợ có thể nguyền nó như vậy được!”

“Được rồi mợ chỉ là người ngoài thôi, không có tư cách cùng chung kẻ địch với cháu chứ gì?”

“Cháu không phải có ý này…”

Hai mợ cháu không thèm để ý đến ông chủ Phương nữa mà vừa nói chuyện vừa đi lên lầu. Sự oán giận của Phương Mẫn về chuyện của ba và em trai cũng đã bị dăm ba lời nói của mợ di rời đi mất.

Cuối cùng mợ Phương còn quay đầu dùng ánh mắt nhìn ông chủ Phương như nhìn phế vật, ông chủ Phương ngượng ngùng không thể làm gì. Trên đường trở về ông ấy vẫn luôn cảm thấy không thể ngẩng đầu lên nổi.

Lúc này trông thấy Trần Hề đang đứng ở ngoài cửa nhà, ông chủ Phương lấy lại tinh thần bước nhanh qua hỏi: “Sao cháu vẫn đứng bên ngoài thế này, không phải chú bảo cháu vào nhà chờ sao?”

Trần Hề nói: “Cháu vừa định đi tìm chú.”

Ông chủ Phương thở phào nhẹ nhõm, ông ấy còn tưởng rằng con trai mình đuổi Trần Hề ra, nhưng ông ấy nghĩ Phương Nhạc cũng không đến mức vô lễ như vậy, hoá ra là do Trần Hề chờ sốt ruột.

“Chú đi đưa Phương Mẫn đến nhà cậu con bé, người vừa rồi mà cháu nhìn thấy chính là chị Phương Mẫn của cháu.” Ông chủ Phương đẩy cửa đưa Trần Hề vào nhà, không thấy Phương Nhạc đâu ông ấy lại hỏi: “Anh Phương Nhạc đâu?”

Trần Hề nói: “Anh ấy đi lên lầu trước rồi ạ.”

Nghe ra giọng nói của cô hoàn toàn không có vẻ gì xa lạ nên ông chủ Phương cho rằng hai đứa nhỏ này đã làm quen với nhau, vẻ mặt đang xám xịt của ông cuối cùng mới tốt hơn một chút.

Vừa lúc trong nhà có năm gian phòng ngủ, hai gian phòng dưới lầu là của hai vợ chồng ông chủ Phương và bà nội Phương ở, ở trên lầu có một phòng ngủ chính có nhà vệ sinh riêng là của Phương Mẫn. Còn dư lại hai gian phòng ngủ thật ra chỉ tính là một phòng, ban đầu chủ đầu tư thiết kế dự định để một phòng này chia thành hai phòng cho người lớn và trẻ con ở ngay cạnh nhau, cũng tiện cho việc người lớn chăm sóc trẻ con hơn, ở giữa hai gian phòng ngủ có một cánh cửa thông qua nhau, cùng dùng chung một phòng vệ sinh ở bên ngoài phòng ngủ.

Sau này phòng trẻ em lại được dùng làm phòng cho khách, người thân hay bạn bè đến nhà chơi muốn ở qua đêm thì sẽ ở nơi này. Phương Nhạc là con trai ở ngay phòng bên cạnh cũng không sợ có gì không tiện.

Hiện tại phòng cho trẻ em lại được thu dọn cho Trần Hề ở. Ông chủ Phương nói phòng này có hơi nhỏ nhưng Trần Hề cảm giác gian phòng ngủ này không kém gì so với căn nhà thuê ở trấn Tân Lạc. Phòng cho thuê ở được bốn người mà gian phòng ngủ này chỉ có một mình cô ở.

Ông chủ Phương chỉ vào cánh cửa nhỏ bên cạnh bàn học rồi hạ giọng nói: “Anh Phương Nhạc của cháu ở chỗ đó.”

Trần Hề cũng học theo hạ giọng hỏi: “Cách âm có tốt không ạ?”

Ông chủ Phương rất thích cái kiểu ngoan ngoãn nhưng lại tinh quái của Trần Hề, ông buồn cười nói: “Có có, cách âm quá tốt luôn, buổi tối trẻ em có khóc nháo cũng không nghe thấy được.” Chủ đầu tư cũng nói như vậy.

Ngày mai Trần Hề phải dậy sớm, ông chủ Phương cũng không nói quá nhiều với cô nữa. Sau khi giới thiệu xong phòng vệ sinh nằm ở đâu, ông ấy lại dặn dò cô đi ngủ sớm rồi cũng đi xuống lầu.

Trần Hề tranh thủ thời gian đi rửa mặt một lúc, lúc trở về phòng ngủ, cô lại ngồi ở trên giường nhìn quanh bốn phía, không có chút buồn ngủ nào. Sau khi phát ngốc một lúc, cô lại lấy nhật ký tuần từ trong cặp sách ra.

Đêm khuya tĩnh lặng, dưới ngọn đèn bàn ban đầu chỉ có tiếng của ngòi bút dừng ở trên giấy vang lên rất nhỏ, sau đó dường như cô còn nghe thấy “bộp” một tiếng, có âm thanh của thứ gì đặt ở trên bàn. Trần Hề nhìn về phía bàn học bên bức tường, ở bên kia bức tường cũng là bàn học sao? Trần Hề lại nhìn về phía cửa nhỏ kia, ánh sáng phía bên đó cũng xuyên qua dưới khe cửa.

Trần Hề lẳng lặng viết xong nhật ký tuần, cô vừa thu bút lại ánh sáng phía dưới khe cửa bên kia đồng thời cũng biến mất.

Nhật ký tuần đã viết xong, phần mở đầu có dấu vết băng dán giấy dính qua, có hai chữ bị xoá đi lại có nét bút mới được điền vào…

“Ngày đầu tiên năm 2011, khá yên bình”

Chương 1

Chương 3

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *