NGUYỆT HƯỚNG TÂY PHƯƠNG – CHƯƠNG 3

Chương 3

Trần Hề cũng không lạ giường, đêm nay chất lượng giấc ngủ của cô vẫn rất tốt, đồng hồ sinh học đánh thức cô tỉnh vào lúc năm giờ. Trong nhà vẫn còn im ắng, chắc hẳn ông chủ Phương và Phương Nhạc sẽ không dậy sớm như vậy. Cô bò dậy đọc sách một lúc, khoảng sáu rưỡi mới nghe thấy tiếng đi lại dưới sàn nhà.

Là Phương Nhạc, anh đi ra khỏi phòng ngủ vào phòng vệ sinh, sau đó lại đi xuống tầng.

Trần Hề nhìn ra ngoài cửa sổ, mùa đông sáu giờ rưỡi sắc trời vẫn còn tối đen. Cô lại tiếp tục đọc sách, khoảng bảy giờ mới đi ra khỏi phòng ngủ.

Không thấy Phương Nhạc ở dưới tầng, ông chủ Phương ngáp dài, đỉnh đầu như có một tổ gà, ông đang làm bữa sáng cho Trần Hề. Trên bàn cơm là một đống đồ đóng hộp, mùi thơm nóng hôi hổi toả ra bốn phía. Trần Hề cũng không câu nệ, ăn no xong rồi tính sau, lúc cô buông đũa xuống thì ông chủ Phương cũng vừa mới đi ra khỏi nhà vệ sinh, cả người lại biến thành bộ dạng của một ông chú đẹp trai giàu có.

Tám giờ Phương Nhạc từ bên ngoài trở về, trong nhà không có người, trên bàn cơm có mấy món ăn chưa được mở ra nhưng cũng không còn hơi nóng gì. Anh tắm rửa xong đi xuống lại cầm mấy món đồ ăn đã sớm bị nguội lạnh cho vào lò vi sóng hâm nóng, còn chưa kịp ăn sáng xong thì Phan Đại Châu đã ôm bóng rổ tìm tới cửa.

Phan Đại Châu cọ giày chơi bóng dưới chân, dưới đôi mắt là cặp kính mang đầy vẻ tri thức, cậu ta nhìn quanh một vòng rồi nhỏ giọng hỏi Phương Nhạc: “Người câm điếc mới tới nhà cậu đi đâu rồi?”

Phương Nhạc mở cửa xong đi quành trở lại nói: “Không cần phải cẩn thận như vậy, người câm điếc không nghe thấy đâu.”

Phan Đại Châu nghĩ lại cũng đúng, cậu ta nhanh chóng đổi lại âm lượng giống như bình thường: “Người đâu người đâu, trông thế nào?”

Khoảng thời gian trước Phan Đại Châu tới nhà Phương Nhạc lấy sách bài tập tình cờ nghe được người lớn trong nhà họ Phương nói muốn đón một cô bé về nhà nuôi dưỡng. Nội dung cụ thể thế nào cậu ta cũng không nghe rõ, đại khái đây là một cô bé rất đáng thương, cả nhà đều là người câm điếc.

Phan Đại Châu biết ông chủ Phương sẽ đón người đến vào dịp tết Nguyên Đán nên kể từ hôm qua cậu ta đã rất tò mò liên tục vò đầu bứt tai, chờ mãi mới tới hôm nay rốt cuộc cậu ta cũng có thể lại đây tìm hiểu được ngọn ngành mọi chuyện.

Phương Nhạc cũng không nhắc nhở cậu ta “người câm điếc” kia vừa không điếc cũng chẳng câm mà chỉ nói: “Người không ở đây.”

“Sáng sớm đã không có ở đây rồi sao?”

Phan Đại Châu cởi giày đi vào, Phương Nhạc hất cằm chỉ vào đồ ăn trên bàn ra hiệu bảo cậu ta ăn. Phan Đại Châu ăn no rồi mới tới đây nhưng bụng vẫn còn chỗ trống, cậu ta thuận tay nhón một chiếc bánh bao nhỏ cho vào trong miệng, mồm miệng không rõ hỏi: “Vậy cậu ấy trông thế nào, ngày hôm qua cậu có gặp được không?”

Gặp được nhưng Phương Nhạc cũng không có hứng thú miêu tả diện mạo của đối phương, Phan Đại Châu lại không chịu buông tha. Phương Nhạc thấy cậu ta không đạt được mục đích không chịu bỏ qua nên chỉ biết cau mày bảo cậu ta chờ muộn một chút tự mình đến đây xem.

Phan Đại Châu miễn cưỡng từ bỏ, đột nhiên phát hiện tay trái Phương Nhạc quấn băng gạc mới hỏi: “Này, tay cậu làm sao thế, bị thương à?”

“Ừm.”

“Vậy còn có thể chơi bóng được không?” Phương Nhạc thuận tay trái, tuy rằng tay phải cũng có thể sử dụng được nhưng khi chơi bóng anh vẫn có thói quen dùng tay trái.

“Không chơi, tôi phải đi đến bệnh viện.”

Phan Đại Châu kinh ngạc: “Tay cậu nghiêm trọng như vậy sao?”

Phương Nhạc nói: “Bà nội của tôi đang ở bệnh viện.”

Lúc này Phan Đại Châu mới bất tri bất giác nhận ra không chỉ riêng “người câm điếc” kia không ở đây mà những người khác trong nhà họ Phương cũng đều không có ở đây.

Thế là Phan Đại Châu cũng không đi tới sân bóng nữa mà đi theo Phương Nhạc tới bệnh viện phụ thuộc số Hai. Hai người xuống xe buýt đi về phía cửa bệnh viện vừa lúc trông thấy xe ô tô con của ông chủ Phương đang khởi động chạy ngang qua đường phía đối diện bệnh viện, chỉ chớp mắt chiếc xe đã quẹo vào một ngã rẽ rồi biến mất không thấy đâu. Phan Đại Châu “ê ê” hai tiếng nhưng vẫn không kịp gọi xe lại, cậu ta quờ quạng cánh tay của Phương Nhạc nóng lòng chứng thực: “Có phải là cô gái trong xe kia không?”

Vừa lúc vị trí phó lái hướng về phía bọn họ, cửa sổ xe mở nên Phương Nhạc cũng thấy được người ngồi ở vị trí ghế lái phụ là Trần Hề, anh “ừm” một tiếng.

“Không thấy rõ, sao ba cậu không biết chạy chậm đi một chút nhỉ.” Phan Đại Châu lẩm bẩm nói.

Bởi vì tò mò nên Phan Đại Châu kiên quyết đi theo Phương Nhạc cả ngày trời, nhưng cả ngày hôm đó Trần Hề cũng không xuất hiện ở nhà họ Phương. Ngày cuối cùng trong kỳ nghỉ lễ tết Nguyên Đán, Trần Hề vẫn cứ không xuất hiện.

Phan Đại Châu không gặp được những người khác của nhà họ Phương nên vẫn không thể giải quyết được việc. Cậu ta khó chịu uể oải không phấn chấn lên nổi, Phương Nhạc lại chẳng thấy kỳ quái khi Trần Hề biến mất.

Buổi tối ngày hôm đó, Phương Nhạc đứng trên tầng hai nhìn xuống mới chú ý tới Trần Hề chỉ đeo một chiếc cặp sách trên lưng nhìn có vẻ trống trải. Dù cho có nghèo đến đâu cũng không đến mức không có một chút hành lý nào trên người, chắc hẳn cô cũng không tính toán sẽ ở lại cho nên anh cũng không hỏi mọi người xem thế nào.

Thật ra anh đối với “câu trả lời” kẻ tám lạng người nửa cân của Trần Hề cũng có chút bất ngờ,nhưng anh vẫn không có một chút hiếu kỳ nào đối với Trần Hề, anh cũng hy vọng đối phương đừng đặt chân tới đây.

Nhưng có rất nhiều thời điểm thực tế khác xa so với tưởng tượng.

Giữa tháng riêng, vào buổi tối kết thúc kỳ thi cuối kỳ lớp chín trung học cơ sở Trần Hề lại một lần xuất hiện. Lần này cô kéo theo một túi da rắn, bên trong hành lý đựng toàn là quần áo và sách vở.

Lúc ông chủ Phương giúp cô xách túi da rắn vào cửa còn nói lời trách cứ: “Một vali đựng đồ có mất bao nhiêu tiền chứ, lẽ ra cháu nên nói trước với chú một tiếng để chú mang vali qua giúp cháu đựng đồ thì tốt rồi.”

Trần Hề trấn an ông chú tốt bụng: “Chắc chú chưa từng dùng túi da rắn thôi, thật ra túi da rắn rất có công dụng, hơn nữa lại rất bền”

“Sao chú có thể chưa từng dùng túi da rắn chứ, từ mười năm trước chú cũng đã từng khiêng túi da rắn chen chúc trên xe lửa cùng người ta rồi.

À, hoá ra từ mười năm trước nhà họ Phương còn chưa lên thành phố.

Vết thương trên tay Phương Nhạc cũng đã bình phục, tối nay anh có hẹn với Phan Đại Châu đi tới sân vận động chơi bóng. Lúc đang xách theo túi thể thao chuẩn bị ra cửa thì lại đụng phải hai người đang xách theo túi da rắn đi vào.

Hai bên chạm mặt nhau trước cửa ra vào, ông chủ Phương thấy con trai mặc quần áo ra ngoài nên mới hỏi: “Con định đi đâu vậy?”

“Chơi bóng.” Phương Nhạc mở tủ giày lấy ra một đôi giày đặt xuống mặt đất.

Ông chủ Phương nói: “Em gái con tới, hôm nay con cũng đừng đi ra ngoài nữa, để ba gọi cơm hộp đợi lát nữa cùng nhau ăn.”

Phương Nhạc cúi đầu mang giày chơi bóng, khoé mắt trông thấy hai chân Trần Hề đột nhiên lặng lẽ di chuyển ra sau. Phương Nhạc nói một câu “không được” rồi đẩy ông chủ Phương đi ra cửa. Lúc đi thang máy xuống tầng anh đột nhiên nghĩ đến hành động lặng lẽ lui về phía sau khó hiểu của người nọ, chắc hẳn cô đang làm theo đúng lời nói “cách xa tôi một chút” mà anh nói với cô vào tối hôm đó.

Lúc Phương Nhạc chơi bóng trở về cũng đã hơn mười giờ, ông chủ Phương mở TV trong phòng ngủ tới rung trời lở đất. Trong nhà không có ai khác, Phương Mạt và mẹ Phương vẫn còn đang ở trong nhà cậu, bà nội Phương thay phiên ở nhà ba người con, sau tết Nguyên Đán, vừa ra viện bà cụ đã được cô Phương đón trở về.

Đêm nay còn có thêm một người, Phương Nhạc cầm quần áo đi tắm rửa, cửa hai gian phòng ngủ vuông góc, thêm một phòng vệ sinh chính là một hình vuông khuyết một bên. Cửa phòng vệ sinh mở ra, Phương Nhạc đang muốn đi vào thì cửa phòng ngủ nhỏ cũng đột nhiên rộng mở, hai người cách nhau trong gang tấc, người trong phòng ngủ dừng bước chân đi ra, Phương Nhạc mắt nhìn thẳng đi vào phòng vệ sinh.

Ngày hôm sau Phương Nhạc vẫn làm việc nghỉ ngơi như ngày thường, còn chưa đến bảy giờ đã ra khỏi cửa khoảng tám giờ sẽ trở về nhà. Dì Vương đang dọn vệ sinh trong phòng khách vẫn còn chưa quét trên tầng hai.

Một tuần dì Vương sẽ lại đây vào hai buổi sáng để phụ trách quét dọn toàn bộ căn nhà, thuận tiện nấu nướng một bữa cơm trưa. Bà cũng tò mò, nên khi vừa trông thấy Phương Nhạc thì hỏi ngay: “Này, A Nhạc, cô bé mà ba cháu đưa về trông thế nào vậy, người có dễ ở chung không?”

Phương Nhạc đi vào phòng bếp uống nước nói: “Cô ấy ở trên tầng.” Ý là nếu dì Vương muốn biết thì tự đi mà xem.

Dì Vương nói: “Con bé không ở đây, lúc dì tới đây đã không gặp con bé rồi, ba cháu cũng không ở nhà.” Dì Vương cũng đã lên tầng xem rồi nhưng gian phòng cho em bé lại không có người.

Phương Nhạc cũng không thèm để ý, anh uống xong nửa cốc nước nói: “Vậy lát nữa dì có thể gặp.”

Nhưng mà “lát nữa” dường như có vẻ hơi xa vời.

Cả ngày hôm đó Trần Hề cũng không xuất hiện ở nhà họ Phương. Buổi trưa dì Vương nấu cơm xong rời đi, Phương Nhạc mười lăm tuổi vẫn còn đang trong giai đoạn trưởng thành, vóc dáng anh cao ráo, trao đổi chất nhanh nên sức ăn rất lớn, một mình cũng có thể ăn hết được toàn bộ đồ ăn trên bàn. Chạng vạng tối ông chủ Phương trở về trên tay xách theo cơm chiều được đóng gói sẵn, cũng không thấy Trần Hề trở về cùng ông.

Phương Nhạc im lặng cùng ông chủ Phương ăn bữa tối.

Ngày hôm sau trong nhà vẫn cứ không có ai, buổi tối Phương Nhạc và ông chủ Phương mới gặp mặt nhau, hai ba con vẫn tạm bợ ăn cơm hộp cho xong bữa tối, ngày thứ ba cũng vẫn như vậy.

Ngày thứ tư dì Vương lại đây quét dọn, bà ta mở cửa sổ phòng trẻ em để thông gió rồi gọi Phương Nhạc: “A Nhạc, sao cô gái kia vẫn không ở nhà vậy, nghỉ đông mà con bé vẫn ra ngoài sớm như vậy sao?”

Không phải ra ngoài sớm như vậy mà căn bản không thấy bóng dáng cô đâu. Phương Nhạc ở trong phòng ngủ nắn chỉnh hộp giày phiên bản giới hạn, nghe vậy anh mới nhíu mày nói: “Cháu không rõ lắm.” Mấy ngày nay anh đã bị Phan Đại Châu hỏi đến phiền rồi.

Lòng hiếu kỳ của Phan Đại Châu cực kỳ mạnh, mỗi lần gặp mặt là lại hỏi thăm Phương Nhạc “người câm điếc kia đâu”. Trong sân vận động trống trải, lúc không có người tập, tiếng nói chuyện có hiệu quả phát ra như cái loa. Cậu ta vừa mở miệng hỏi là những người đánh bóng bàn, cầu lông cũng đều biết, sau đó nào là ở hồ bơi, phòng tập thể thao, phòng yoga, võ đài quyền anh…

Sân vận động ở ngay bên cạnh khu dân cư, phần lớn người đến đây tập đều là cư dân ở xung quanh đó. Dường như Phương Nhạc đã chọc vào cái gì đó của Trần Hề nên hiện tại đi đến đâu cũng đều có người hỏi anh một câu về Trần Hề.

Từ tết Nguyên Đán đến nay cũng đã trôi qua hơn nửa tháng, anh chỉ từng gặp mặt Trần Hề có hai lần ngắn ngủi, nhưng bởi vì chọc tới Trần Hề nên dường như bộ dáng cùng cách ăn mặc của Trần Hề đều luôn trú ngụ trong tâm trí anh.

Một con nhóc có vóc dáng nhỏ gầy còn cao chưa tới một mét sáu, buộc tóc đuôi ngựa để lộ ra cái trán sạch sẽ, khuôn mặt nhỏ nhắn đôi mắt tròn xoe diện mạo trông cũng bình thường, áo khoác ngoài còn chưa thay, chiếc áo len màu đen rõ ràng đã mặc nhiều năm, đôi giày đi trên chân không thể nói là bẩn nhưng vì đã được đi và giặt nhiều lần nên thoạt nhìn có hơi xỉn màu sờn cũ.

Anh không gặp Trần Hề nhưng Trần Hề lại dường như có mặt khắp mọi nơi.

Đúng là không chịu được.

Nắn chỉnh đôi giày thể thao xong, Phương Nhạc lại bỏ giày vào tủ đựng đồ, lúc đi ra khỏi phòng ngủ thì dì Vương đang ở trong phòng bếp làm cơm trưa. Cửa phòng trẻ em mở toang, dì Vương có thói quen mỗi lần mở cửa sổ thông gió đều sẽ kéo toàn bộ ngăn kéo tủ mở ra, bà nói chất formaldehyde mười năm vẫn không thể tiêu tan được hết, công trình lớn về việc loại bỏ formaldehyde cần phải được tiến hành kịp thời.

Phương Nhạc không bước vào gian phòng này, anh đứng ngoài cửa đảo mắt nhìn sơ qua một vòng, chăm ga gối đệm được gấp gọn gàng chỉnh tề trên giường, còn lại nhìn không ra dấu vết giống như có người ở.

Trước khi rời đi dì Vương quên không đóng cửa, ban đêm gió thổi mạnh Phương Nhạc nằm trong phòng ngủ của mình nghe thấy khung cửa sổ vang lên tiếng kêu bang bang. Cửa sổ của những khu chung cư cao tầng đều mở quay vào bên trong, nẹp cửa sổ có hơi buông lỏng nên khi gió lớn thổi tới sẽ khiến khung cửa sổ va đập vào nhau không ngừng.

Phương Nhạc mở cửa nhỏ đi vào phòng ngủ bên cạnh, sau khi đóng cửa sổ xong anh lại thuận tiện đóng cả ngăn tủ và ngăn kéo. Lúc này anh mới nhìn thấy trong tủ quần áo của cô có treo một chiếc áo khoác mùa đông màu đỏ rực, còn lại là vài bộ quần áo bốn mùa được gấp gọn trong đó. Tủ sách và ngăn tủ trong phòng là đống sách giáo khoa được chất cao như núi, có sách tiểu học cũng có cấp hai.

Đến ngay cả sách giáo khoa tiểu học cũng đã chuyển đến vậy hiển nhiên là muốn ở lâu dài rồi, nhưng mà người đâu?

Cuối cùng Phương Nhạc cũng tự nảy sinh ra nghi vấn nhưng anh vẫn không mở miệng ra hỏi. Mỗi ngày đi vào nhà vệ sinh anh đều sẽ liếc mắt nhìn vào cửa phòng trẻ em một cái, mỗi ngày ngồi ở trên giường hay bàn học anh đều sẽ ngẫu nhiên nhìn vào bức tường xài chung với phòng trẻ em. Có một ngày vào ban đêm anh nghe thấy có tiếng động gì đó nên còn cho rằng phòng bên cạnh có người, nhưng ngày hôm sau phòng trẻ em vẫn đóng chặt như cũ. Ông chủ Phương cũng vẫn về nhà một mình như thường lệ mang theo đồ ăn vào giờ cơm tối.

Đến ngày 27/1 cũng chính là thứ sáu trước ngày giao thừa, cuối cùng nhà ông chủ Phương cũng trở nên náo nhiệt hơn hẳn.

Bà nội Phương giúp ông chủ Phương đi ra chợ mua các loại rau để tích trữ trước khi giá cả tăng cao vào dịp năm mới. Đồ ăn quá nhiều, bà nội Phương xách không nổi mới thuận tiện gọi Phương Mạt từ chỗ cậu của chị ấy mượn dùng một chút. Nếu như muốn hỗ trợ xách đồ thì tất nhiên Phương Mạt phải đi theo bà nội về nhà.

Người ra mở cửa là Phương Nhạc, Phương Mạt vừa trông thấy anh đã cười lạnh “hừ” một tiếng, Phương Nhạc làm như không thấy hành động của chị ấy mà đi qua giúp bà nội xách đồ ăn ở phía sau.

Cánh tay Phương Mạt cũng sắp xách không nổi, cô ấy đặt đồ ăn để ở huyền quan sau đó xoay người chuẩn bị rời đi nhưng lại bị bà nội Phương ngăn lại.

Bà nội Phương chặn ở ngoài cửa nói: “Muốn đi đâu, mất đồ gì sao?”

Phương Mạt nói: “Cháu hoàn thành xong nhiệm vụ rồi đương nhiên phải trở về.”

“Về đâu, nơi này không phải nhà cháu sao?”

“Cháu nào dám xem nơi này là nhà, nói không chừng một ngày nào đó còn bị người ta đâm một dao sau lưng cũng nên.”

“Cháu nói bậy gì đấy, không dám xem nơi này là nhà, lời này nói cho bà nghe sao? Bà phí công nuôi dưỡng cháu rồi có phải hay không hả?” Bà nội Phương giơ tay đánh chị ấy.

Phương Mạt “ui da” một tiếng rồi trốn tránh ôm cánh tay bà nội nhận sai: “Cháu chỉ nói cho người nào đó nghe thôi, không phải bà không phải bà mà!”

Phương Nhạc không để ý tới lời này, anh không nói một lời xách toàn bộ đồ ăn đặt ở huyền quan mang tới phòng bếp.

Hôm nay ông chủ Phương cố ý không ra ngoài mà lấy lòng bưng một đĩa đựng đầy trái cây đặt tới trước mặt mẹ và con gái. Phương Mạt miễn cưỡng ngồi trên sô pha không để ý tới người khác, Phương Nhạc từ phòng bếp đi ra chuẩn bị trở về phòng nhưng lại bị bà nội Phương gọi lại.

“A Nhạc, đi pha cho bà tách trà, lấy cả đồ uống cho chị cháu nữa, hỏi xem chị cháu muốn uống gì.”

Phương Mạt đang chơi trò rắn săn mồi trên di động cũng không ngẩng đầu lên nói: “Vẫn thôi ạ, cháu nào xứng để nó hầu hạ.”

Bà nội Phương lạnh giọng nói: “Cháu còn chưa xong đúng không, hay là muốn để bà tự mình hầu hạ cháu?”

Phương Mạt bĩu môi thả di động xuống không lên tiếng, bà nội Phương lại nắm tay chị ấy xoa trong lòng bàn tay rồi bảo Phương Nhạc: “Đi đi, phải để bà lên tiếng mới chịu đi có đúng không?”

Phương Nhạc đi vào phòng bếp pha một ly trà xanh sau đó tùy tiện cầm một chai đồ uống ra bày ở trước mặt hai người, bà nội Phương lại hạ lệnh: “Giúp chị cháu mở.”

Phương Nhạc bất đắc dĩ mở đồ uống ra.

Bà nội Phương lại nói với Phương Mạt: “Có phải những đồ vừa rồi rất nặng đúng không, tay còn có thể nâng lên được không?”

Phương Mạt hầm hừ cầm lấy đồ uống ngửa đầu uống một hơi.

Cuối cùng bà nội Phương cũng cảm thấy vừa lòng, cũng không quản tới chuyện Phương Nhạc có muốn lên tầng hay không nữa. Phương Mạt muốn nghịch di động, bà nội lại đột nhiên nhớ tới Trần Hề nên hỏi: “Hề Hề còn chưa được nghỉ sao?”

Cuối cùng cũng đến lượt ông chủ Phương được quyền lên tiếng, ông chủ Phương trả lời: “Vẫn chưa, phải đến ba mươi con bé mới được nghỉ”

Lúc này Phương Mạt mới nhớ tới trước đây trong nhà quyết định muốn đưa một cô bé về nhà nuôi. Tết Nguyên Đán đêm đó cô ấy còn chưa liếc mắt nhìn một cái, lúc ấy cô ấy khóc nhiều đến mức nước mắt nhoè hết tầm mắt, cho nên đối phương cao thấp mập ốm thế nào cũng không để ý.

Phương Mạt không muốn cùng ông chủ Phương nói chuyện nhưng vẫn không chịu nổi được tò mò nên mới cố ý quay đầu hỏi bà nội: “Không phải em ấy học lớp chín sao, vẫn còn chưa được nghỉ á? Chẳng phải nói sẽ chuyển trường cho em ấy tới đây sao?”

Ngày hôm đó nhà họ Phương đã thương lượng phải đưa Trần Hề trở về đây thế nào. Người nhà họ Phương ngoài mặt rất yên tĩnh, ông chủ Phương gọi điện thoại cho một người bạn xin lời cố vấn, ông ấy hỏi học kỳ một lớp chín còn hơn một tháng nữa, nếu như muốn chuyển trường tới Hà Xuyên thì có được không. Cũng không biết có thể dựa vào người bạn đó hay không, thế mà người đó còn nói không thành vấn đề làm ông chú Phương vui tươi hớn hở nói chờ tới tết Nguyên Đán là sẽ đón người đến nhà.

Sau này trong nhà có chuyện không vui, người lớn cũng không có hơi sức đâu đề cập đến chuyện Trần Hề cho tụi nhỏ, bởi vậy Phương Mạt vẫn luôn cho rằng tới tết Nguyên Đán là Trần Hề sẽ chuyển trường tới Hà Xuyên.

Vốn dĩ Phương Nhạc còn đang muốn lên tầng nhưng nghe đến đó anh lại quay ngược lại đi trở về sô pha nhặt một quả quýt lên chậm rãi lột vỏ.

Hiện tại ông chủ Phương nghe thấy con gái hỏi nên tất nhiên lại thao thao bất tuyệt: “Ôi trời chú Lưu của con đúng là chỉ biết khoác lác thôi, còn hơn một tháng nữa sao có thể chuyển trường được. Sau đó chú Lưu lại nói có thể giúp cho con bé dự thính học kỳ hai lớp chín nhưng hồ sơ nhập học thì không có cách nào chuyển được, đến lúc thi lên trung học phổ thông lại phải trở về trấn Tân Lạc.”

Phương Mạt nhịn không được mở miệng nói chuyện với ông chủ Phương, cô ấy hỏi: “Thế trường học hiện tại của em ấy còn chưa được nghỉ à?”

“Cũng sắp rồi, con bé có kỳ thi cuối kỳ cùng ngày với trường của A Nhạc, thi xong là ba sẽ đến đón con bé về, hiện tại con bé đang bị kéo đi học!” Ông chủ Phương nói: “Lúc ấy ba còn không biết thành tích học tập của Trần Hề giỏi tới cỡ vậy, con bé căn bản không cần phải dự thính chuyển trường gì cả mà đăng ký thi kỳ thi tỉnh luôn. Hôm tết Nguyên Đán con bé tới trường Trung học phổ thông số Tám để thi, thi một lần là xong. Con bé còn nói chờ tới kỳ thi lên trung học phổ thông sẽ không cần phải thi nữa mà có thể tới đây học ngay miễn là có thể vượt qua được kỳ thi tuyển sinh này. Hiện tại con bé đang bị kéo đi học ở trường trong kỳ nghỉ đông.”

Ông chủ Phương còn rất khoa trương: “Trường Trung học phổ thông số Tám chỉ tuyển thẳng ba mươi người vào thôi, mọi người nói xem có giỏi không!”

Phương Mạt là học sinh dốt nên không hiểu rõ: “Đó là kỳ thi gì?”

Bà nội Phương không biết chữ cũng không hiểu cái này, từ trước tới nay ông chủ Phương cũng không hiểu rõ chuyện của người đi học, chỉ biết nghe tai này vào tai kia nên cũng không nhớ kỹ những thuật ngữ mà Trần Hề đã từng nói qua.

Phương Nhạc thong thả ung dung ăn xong hai quả quýt, vừa ngẩng đầu lên đã bắt gặp ba đôi mắt mở to mờ mịt nhìn về phía mình, anh dừng một chút mới vứt vỏ vào trong thùng rác.

“Kỳ thi tuyển sinh cấp tỉnh.” Anh nói.

Thành phố Hà Xuyên là tỉnh lị thành thị, có một số trường trung học có tiếng chỉ tuyển sinh giới hạn chỉ tiêu là học sinh trong thành phố. Nếu như học sinh từ các thành phố hoặc thị trấn khác trong tỉnh muốn vào trường trung học của thành phố Hà Xuyên thì về cơ bản chỉ có thể thông qua con đường tuyển sinh cấp tỉnh.

Trình độ giáo dục của trấn Tân Lạc có giới hạn, cũng chưa từng có học sinh nào trong các trường trung học cơ sở trên trấn từng đăng ký tham gia kỳ thi tuyển sinh cấp tỉnh ở một thành phố trọng điểm như Hà Xuyên. Thật ra trước năm lớp tám Trần Hề cũng chưa từng nghe nói qua về việc này.

Thời điểm đó mẹ Trần đã bệnh nặng, trước khi bị bệnh bà từng đi đánh giày da cho người ta. Trước khai giảng vào lớp tám, Trần Hề cũng muốn có thể kiếm được một chút tiền, cho nên cô mới mang theo em trai đi lên phố đánh giày da cho người ta.

Buổi tối hôm đó cô đang đánh giày cho một vị khách liền nghe thấy vị khách này đang nói chuyện điện thoại.

“Trường Trung học phụ thuộc chỉ xếp thứ hai thôi, trường Trung học phổ thông số Tám mới xếp thứ nhất, thật ra hai trường trọng điểm không phân được cao thấp nhưng kết quả năm vừa rồi có thể thấy được đâu xếp thứ nhất, thứ hai… chắc chắn thi đua sẽ rất cạnh tranh. Năm trước trường Trung học phổ thông số Tám có chín học sinh được đề cử đi học Kinh đại và Khánh đại, nhưng hầu hết các học sinh vẫn tham gia thi đại học… Có phí tài trợ không? Tôi cũng không rõ cái này lắm, cũng không nghe nói trường Trung học phổ thông số Tám và trường Trung học phụ thuộc có nhận phí tài trợ không. Thằng bé có hồ sơ học bạ ở nơi khác, có thể thử đăng ký thi tuyển sinh cấp tỉnh xem sao… Hiện tại nó đang học lớp chín, tôi cũng không rõ liệu có muộn quá hay không… Được, để tôi tra thử chút rồi nói cho anh biết.”

Trong lòng Trần Hề tập trung vào hai thứ, cuộc điện thoại này đã tình cờ đánh vỡ chiếc kén tin tức của cô khiến cho trái tim còn non nớt của cô cũng trở nên chấn động.

Lần đầu tiên cô biết đến tỉnh lị thành thị trọng điểm, lần đầu tiên cô biết đến tỷ lệ phần trăm các trường trung học trọng điểm có thể trúng tuyển vào được Kinh đại và Khánh đại, cũng là lần đầu tiên cô nghe nói tới cái gọi là tuyển sinh cấp tỉnh.

Khai giảng năm lớp tám, Trần Hề tung tăng đi tìm chủ nhiệm lớp để lấy thêm thông tin. Những ngày sau đó, Trần Hề liều mạng dùi mài sách vở, soát đề, tới năm lớp chín chủ nhiệm lớp giúp cô để ý tin tức tuyển sinh cấp tỉnh của thành phố Hà Xuyên. Tháng mười Trần Hề đứng ở văn phòng chủ nhiệm lớp cùng giáo viên gọi điện thoại tới phòng tuyển sinh của trường Trung học phổ thông số Tám để dò hỏi xem tình hình cụ thể kỳ thi tuyển sinh cấp tỉnh năm nay của trường.

Tiếp theo cô gửi hồ sơ lý lịch của mình đến trường Trung học phổ thông số Tám qua đường bưu điện. Ở đó viết thành tích cao nhất của cô ở các môn học khác nhau, sau đó cô đã đạt đủ tiêu chuẩn để tham gia kỳ thi tuyển sinh cấp tỉnh của trường Trung học phổ thông số Tám.

Năm nay trường Trung học phổ thông số Tám chỉ nhận ba mươi chỉ tiêu tuyển sinh cấp tỉnh trong phạm vi toàn tỉnh. Tết Nguyên Đán Trần Hề đi tới Hà Xuyên, buổi sáng cô tham gia bài kiểm tra thi viết và phỏng vấn kỳ thi tuyển sinh cấp tỉnh của trường Trung học phổ thông số Tám, buổi trưa đi tới bệnh viện thăm bà nội Phương rồi sau đó lại quay trở về trấn Tân Lạc. Trong vòng ba ngày cô đã nhận được kết quả vượt qua kỳ thi tuyển sinh cấp tỉnh, sau đó từng bước tiến lên. Chỉ cần cô vượt qua được kỳ thi tuyển sinh cấp ba là có thể thuận lợi tiến đến Hà Xuyên học trường Trung học phổ thông số Tám, vấn đề học bạ tất nhiên trường học sẽ giúp cô giải quyết.

Sau kỳ thi cuối kỳ năm lớp chín, Trần Hề thân là học sinh được tuyển chọn vào trường Trung học phổ thông số Tám sẽ lập tức phải tham gia một khoá tập huấn khép kín, đây cũng là lý do vì sao cô lại biến mất không thấy tung tích đâu.

Ngày hôm nay, mối quan hệ căng thẳng trong nhà họ Phương cũng thoáng được giảm bớt đi một chút. Bà nội Phương tiếp tục đi đến ở nhà con gái, Phương Mạt vẫn trở về ở nhà cậu làm bạn với mẹ Phương.

Dì Vương ham thích tiêu tán formaldehyde lại một lần quên không đóng cửa, Phương Nhạc đút tay vào túi quần đứng ở trước cửa phòng trẻ em nhìn một hồi.

Gió thổi rèm cửa, dự báo thời tiết cho biết tới Tết Âm Lịch sẽ có nhiều lúc có mưa tuyết.

Chạng vạng tối quả nhiên trời đổ lớp tuyết dày, tuyết rơi liên tục tới ngày hai mươi chín. Một ngày trước khi trại huấn luyện của Trần Hề kết thúc, lớp tuyết đọng trên mặt đất đã dày cả thước.

Buổi sáng Phương Nhạc nhận được một cuộc gọi của ông chủ Phương, ông nói: “Nhãi con, Trần Hề nói lớp học của con bé bị cảnh báo gì đó nên hôm nay sẽ trở về. Hiện tại ba vẫn còn đang ở Nghi Thanh với chú Thẩm, con giúp ba đi đón Trần Hề trở về nhé. Tuyết rơi lớn như vậy ba sợ con bé không biết phải trở về thế nào, con bé còn chưa từng ngồi xe một mình bao giờ, thời điểm ăn tết nhiều bọn buôn người lắm!”

Phương Nhạc nhận được tin nhắn của ông chủ Phương gửi tới, là số điện thoại di động của Trần Hề mà ông chủ Phương đã giúp cô xử lý.

Phương Nhạc mặc áo khoác ngoài, đeo thêm túi xách nghiêng đi ra cửa đón người.

Chương 2

Chương 4

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *