NGUYỆT HƯỚNG TÂY PHƯƠNG – CHƯƠNG 4

Chương 4

Sáng nay trại tập huấn của trường Trung học cơ sổ số Tám đã bị cảnh báo. Huấn luyện viên của trại tập huấn cũng lập tức quyết định giải tán cho nghỉ. Học sinh sôi nổi thông báo cho phụ huynh biết sẽ được về nhà sớm. Trần Hề gọi điện thoại cho ông chủ Phương nhưng không gọi được thế là cô soạn một tin nhắn gửi qua nói cho ông chủ Phương biết một mình cô có thể tự trở về.

Đây là lần đầu tiên Trần Hề nhắn tin, sau khi gửi xong cô còn kiểm tra lại một lượt hộp thư xem tin nhắn đã gửi đi thành công được hay chưa.

Chiếc di động này là của ông chủ Phương đưa cho cô vào kỳ nghỉ tết Nguyên Đán. Ngày hôm đó sau khi thi xong, ông chủ Phương chạy xe tới trường Trung học cơ sở số Tám để đón cô, cô còn nói muốn đi đến bệnh viện để thăm bà nội Phương trước.

Sau khi đi ra khỏi phòng bệnh cô lại muốn ông đưa mình trở về trấn Tân Lạc. Trước đó ông chủ Phương còn đề nghị muốn cô ở lại Hà Xuyên thêm một ngày để chơi nhưng Trần Hề lại nói cực kỳ thành khẩn: “Cháu muốn trở về học càng sớm càng tốt, sắp thi cuối kỳ rồi nên cháu phải nỗ lực hơn nữa, chuyện vui chơi này để sau lại nói, lúc nào cũng có thể chơi được mà ạ.”

Ông chủ Phương cảm động không thôi bởi vì ông chưa từng bao giờ gặp một đứa nhỏ chăm chỉ, cẩn thận đến vậy. Ông lại nhớ tới Trần Hề còn không có di động, tình cờ trong nhà cũng còn thừa một cái nên bảo cô cầm lấy mà dùng.

Thực tế là Trần Hề cũng không lo lắng về kỳ thi cuối kỳ cho lắm.

Cô có biết mẹ Phương, hiện giờ mẹ Phương không có ở nhà, Phương Mạt lại rời nhà trốn đi, bà nội Phương thì dường như bị tức giận nên mới phải nằm viện. Vừa rồi lúc ở trong phòng bệnh ông chủ Phương còn có hơi co đầu rụt cổ khi đối diện với bà nội Phương.

Trần Hề không tiện hỏi nhiều nhưng cô biết tốt hơn hết mình vẫn không nên nhúng tay vào việc nhà của người ta trong tình huống này.

Vỏ của chiếc điện thoại cũ mà ông chủ Phương đưa cho cô có hơi bị trầy xước nhưng chức năng vẫn hoạt động bình thường. Tuy rằng nhà họ Phương thuộc kiểu nhà giàu mới nổi nhưng có bà nội Phương phụ trách nên mọi người vẫn có thói quen tiết kiệm. Ví dụ như di động hoặc là các sản phẩm công nghệ khác, nếu như không có vấn đề hư hỏng gì thì vẫn sẽ tiếp tục sử dụng, không đổi mới theo kịp xu hướng.

Nhưng mẹ Phương cảm thấy cầm di động có vẻ ngoài bị hư hỏng quá mức xuống cấp nên sau khi chiếc di động này của bà bị đánh rơi đã để cho Phương Nhạc dùng.

Ông chủ Phương nói: “Mấy ngày hôm trước dì lại thay đổi điện thoại di động, còn điện thoại cũ của dì để lại cho Phương Nhạc dùng, vừa lúc cái này cũng đang để không. Cháu cứ cầm dùng trước đi, chờ lát nữa chúng ta đi làm sim điện thoại cho cháu.”

Sau khi có điện thoại di động, Trần Hề cũng không hay nghịch cho lắm bởi vì cô vẫn không quen, cũng chẳng có ai có thể liên lạc. Bình thường cô đều để di động trong cặp sách, thỉnh thoảng sẽ lấy ra nhìn xem đã cần phải sạc pin hay chưa.

Pin điện thoại cực kỳ trâu bò, phải mãi đến khi kết thúc kỳ thi cuối kỳ và lại đến nhà họ Phương thì Trần Hề mới phải sạc pin lần thứ hai. Trong lúc sạc điện thoại nhàn nhã không có việc gì, cô sẽ lấy ra nghiên cứu một chút các chức năng của điện thoại di động. Lúc nghiên cứu cô mới phát hiện ra một chuyện hết sức khủng khiếp.

Trần Hề không hiểu vì sao trong hộp thư điện thoại vẫn còn lưu lại tin nhắn cũ, ngoại trừ tin nhắn rác thì bên trong còn có một tin nhắn khác với nội dung khiến người đọc mà kinh hồn bạc vía…

“A Nhạc, dì với ba cháu thật lòng yêu thương nhau, dì rất cảm kích vì cháu có thể hiểu được cho chúng ta, dì cũng không phải khăng khăng muốn đòi danh phận gì đó. Nhưng nếu như dì và cháu có thể trở thành người thân thì cháu yên tâm, nhất định dì và ba cháu sẽ cùng nhau yêu thương, chăm sóc cháu. Dì cũng có thể bảo đảm với cháu dì sẽ coi cháu không khác gì con trai ruột của mình.”

Lời văn ngắn gọn súc tích, chỉ nhìn một cách đơn thuần ý trên mặt chữ cũng có thể hiểu được tình trạng hiện giờ của nhà họ Phương. Chắc hẳn là ông chủ Phương ngoại tình, bà nội Phương vì tức giận nên phải nằm viện, Phương Nhạc đâm sau lưng mẹ ruột cho nên Phương Mạt mới có thể mắng anh thành ra như vậy…

“Mẹ sinh ra chó còn hơn sinh ra mày, mày không phải là người. Nếu như mày muốn ở cùng ả tiện nhân kia như vậy thì mày mau cút ra ngoài cho tao!”

Đêm đó Trần Hề xem trộm được dòng tin nhắn bí mật này mà tam quan chịu một trận chấn động mạnh mẽ. Cô ngồi thần ra đó hồi lâu, đợi tới khi bàng quang báo hiệu cần đi WC gấp mới ngưng, nhưng kết quả vừa mở cửa đã đụng phải Phương Nhạc vừa đi chơi bóng trở về đang chuẩn bị vào toilet. Âm thanh TV dưới lầu vang lên đinh tai nhức óc khiến cô không khỏi nín thở.

Lúc này Trần Hề kiểm tra hộp thư mới trông thấy có tin nhắn gửi đến, tin nhắn cũ bên trong cô cũng không xóa bỏ, dù sao cô cũng chỉ mượn chiếc điện thoại này để dùng, cô không biết mình có quyền xóa nó hay không.

Trong gió tuyết đan xen chiếc xe buýt chạy về phía trước, Trần Hề còn nhớ rõ tiểu khu của nhà ông chủ Phương có tên là Cẩm Duyên Hào Đình, nhưng xe buýt của đội tập huấn sẽ không dừng lại ở cửa nhà từng người nên sau khi chạy vào nội thành cô chỉ có thể tiện đường dừng xe đi xuống.

Trần Hề đã hỏi tài xế và chọn một điểm gần Cẩm Duyên Hào Đình để xuống xe. Cô hoàn toàn không biết gì về đường phố ở Hà Xuyên, lớn từng vậy rồi cũng chưa bao giờ gọi taxi, chưa bao giờ ngồi một mình trên giao thông công cộng, nhưng cô nghĩ mình có miệng nên có thể hỏi người được, cô có đầu óc linh hoạt và đôi mắt sáng nên chẳng có gì phải lo lắng cả.

Lúc nhận được điện thoại của ông chủ Phương gọi lại là khi đó Trần Hề vẫn còn đang ở trên xe buýt của đội tập huấn.

Ông chủ Phương nói với cô: “Hề Hề, bây giờ chú không ở Hà Xuyên, hiện tại cháu đang ở đâu?”

Trần Hề nói: “Cháu vẫn còn đang ở trên xe buýt trường học.”

“Thế để chú bảo anh Phương Nhạc tới đón cháu, một lát nữa xuống xe buýt đừng chạy loạn đấy.”

Trần Hề vội vàng từ chối: “Không cần không cần đâu, chú Phương, cháu biết ngồi phương tiện giao thông công cộng thế nào mà, tự cháu có thể trở về được.”

Ông chủ Phương hù dọa cô: “Cháy chưa từng xem bản tin “Tin tức hôm nay” à? Cháu có biết có bao nhiêu cô gái còn lớn tuổi hơn cả cháu mà vẫn bị bắt cóc không hả? Cháu nghe lời chú, để chú bảo anh Phương Nhạc gọi xe tới đón cháu.”

Trong lòng Trần Hề thầm nói như vậy không phải rất lãng phí sao, còn không bằng để tự cô gọi xe.

Ông chủ Phương lại nói: “Cháu cũng không thể một người gọi xe được, ai mà biết tài xế đó là người tốt hay là người xấu. Nếu người ta bắt cóc cháu chú biết tìm cháu ở đâu.”

Trần Hề không phục: “Chú phải tin tưởng vào trí thông minh của cháu chứ.”

Ông chủ Phương mỉm cười: “Nhưng chú không tin tưởng vào vóc dáng nhỏ bé của cháu, người ta bắt cháu rồi chạy đi mất, cháu nói xem phải làm sao đây!”

… Về điểm này Trần Hề khó có thể phản bác được.

Có lẽ là do ăn uống thiếu dinh dưỡng nên mấy năm nay vóc dáng của Trần Hề vẫn không cao lên được, trên người cô vẫn còn đang mặc chiếc áo khoác màu đen mua từ hồi cô còn học lớp sáu tiểu học (*). Lúc ấy mẹ Trần còn cố ý mua cho cô to hơn một size vì bà ấy muốn cô có thể mặc được lâu hơn một chút. Dựa vào tốc độ phát triển hiện giờ Trần Hề chỉ cảm thấy rất ưu sầu, chỉ sợ chiếc áo khoác này còn có thể mặc được thêm mấy năm nữa.

(*) Ở TQ học hết lớp sáu mới là học hết tiểu học, cấp hai sẽ bắt đầu từ lớp bảy.

Trần Hề chọn xuống xe ở một trạm dừng giao thông công cộng, tài xế xe buýt cũng đã dạy cô nên ngồi xe buýt nào. Sau khi xuống xe, Trần Hề đội mũ lên quấn thật chặt, sau đó đứng ở trước bảng lộ trình giao thông công cộng nghiên cứu đường đi.

Ông chủ Phương bảo Phương Nhạc tới đón cô khiến Trần Hề cảm thấy việc này không đáng tin cậy cho lắm, dựa người chi bằng dựa vào chính mình vẫn hơn.

Đúng lúc này một số lạ gọi vào điện thoại, Trần Hề có dự cảm, nội tâm không hiểu sao cũng nhảy nhót từng hồi theo. Quả nhiên sau khi nghe điện thoại giọng nói của Phương Nhạc cũng truyền tới.

“Ở đâu?” Giọng thiếu niên trong trẻo vang lên.

Trần Hề hít hà ngọn gió Tây Bắc lạnh run cả người, cô ho nhẹ một tiếng báo ra tên trạm dừng xe giao thông công cộng, sau đó rất tự mình hiểu lấy mình nói: “Tự tôi ngồi xe buýt trở về được.”

“Xe dừng hoạt động rồi.”

… Trần Hề muốn nói cô có thể tự gọi taxi?

“Chờ đó”

Được thôi.

Cảm giác chờ tới thiên hoang địa lão, quả nhiên xe buýt đã dừng hoạt động, cô đợi mấy chục phút trôi qua mà vẫn không thấy bóng dáng một chiếc xe buýt nào. Bão tuyết bay tán loạn, trên đường có rất ít người đi lại, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe chạy qua nhưng dường như tốc độ xe còn chậm hơn cả cô đi bộ, hầu hết các cửa hàng bên cạnh lối đi bộ cũng đã đóng cửa.

Trần Hề đi qua đi lại rồi lại nhảy lên nhảy xuông ở trạm xe buýt, thỉnh thoảng trong đầu cô chợt hiện lên một ý nghĩ liệu có phải Phương Nhạc cố ý chơi khăm cô rồi không. Trước khi cả người cô chuẩn bị đóng băng, cuối cùng cô cũng đã nhìn thấy bóng dáng nhất chi độc tú (*) đi đến trong gió tuyết.

(*) Nhất chi độc tú: Nghĩa đen là một cái cây chỉ mọc duy nhất một bông hoa, nghĩa bóng chỉ người giỏi giang xuất chúng

Trần Hề cũng không biết có phải Phương Nhạc cao một mét tám hay không, nhưng cô rất hiếm khi được nhìn thấy có bạn đồng lứa cấp hai nào ở thị trấn chỗ cô có vóc dáng cao hơn Phương Nhạc.

Cậu thiếu niên mặc trên người một chiếc áo khoác lông vũ màu trắng, bên trong dường như chỉ mặc một chiếc áo thun mỏng, trước ngực đeo một chiếc túi có dây đeo ngang vai màu bạc, phía dưới mặc một chiếc quần thể thao màu xanh nhạt, trên tay cầm một chiếc ô che mưa màu xanh đen, anh đi giữa những bông tuyết trắng xóa mà có cảm giác như đi dạo trong sân vắng.

Quả đúng là nhất chi độc tú, bộ dáng nổi bật đến mức khiến mọi người dễ dàng chú ý tới ngay lập tức.

Phương Nhạc cũng đã thấy Trần Hề, dù sao tại trạm dừng xe buýt cũng chỉ có một người mặc cả cây đen đang nhảy nhót ở đó, người vừa gầy vừa nhỏ giống hệt như hình ảnh luôn đóng quân trong tâm trí anh hơn hai mươi ngày qua.

Phương Nhạc cảm thấy xác suất cô gặp phải bọn buôn người giống như điều mà ông chủ Phương lo lắng đúng là cũng có khả năng xảy ra thật.

Trần Hề chạy chậm vài bước tới phía người trước mắt, lúc tới gần trước mặt Phương Nhạc cũng nhanh chóng dừng bước chân lại. Phương Nhạc lấy ra từ trong túi đeo của mình một chiếc ô che mưa, cánh tay thon dài duỗi đến trước mặt Trần Hề nói: “Không gọi được xe, đi thôi.”

“Ồ.” Trần Hề nhận lấy ô che mưa lại bỏ thêm một câu: “Cảm ơn.”

Phương Nhạc sải đôi chân dài bước về phía trước, một tay Trần Hề kéo theo vali hành lý, một tay khác dơ cao chiếc ô màu đen đi theo phía sau.

Vali hành lý này là do ông chủ Phương tìm từ trong nhà ra, lúc ấy trên tay cầm của vali hành lý 20 inch (~ 50cm) này còn treo một thẻ bài nhựa trên đó. Trùng hợp chính là chiếc vali này cũng là của Phương Nhạc, thẻ nhựa trên đó có tên ghép vần của Phương Nhạc, phía trên còn có một dòng chữ “6/8/2010” thời gian xuất hành, ký hiệu tiếng Anh trên đó Trần Hề cũng không hiểu lắm, sau khi tra ra mới biết đó là tên của một tàu biển chở khách chạy định kỳ.

Năm trước được nghỉ hè, Phương Nhạc ra ngoài du lịch ngồi tàu biển chở khách chạy định kỳ, đồng thời Trần Hề cũng nhớ lại năm trước vào thời điểm đó mẹ Trần đang nằm viện, còn cô cũng phải chạy vạy khắp nơi quanh bệnh viện.

Sau đó ông chủ Phương đã tháo chiếc thẻ nhựa kia đi và tịch thu túi da rắn (*) của Trần Hề.

(*) Túi da rắn: Không phải là túi làm từ da rắn, mình tìm trên mạng trông khá giống túi vải bạt mà bên mình hay dùng đựng đồ ấy.

Bánh xe vali hành lý không phát ra tiếng động, thậm chí lúc di chuyển trên mặt tuyết cũng chỉ phát ra tiếng nhẹ hơn cả tiếng gió xào xạc.

Phương Nhạc không giống như một số bạn cùng lứa tuổi lúc nào cũng trong trạng thái thả lỏng phóng túng. Lúc đi đường dáng người của anh vẫn luôn thắng tắp, cũng không có ý dang tay, quân tử đoan chính, thiếu niên như tùng. Trần Hề kéo theo vali, trên mặt trên mũi đều bị gió lạnh thổi đến đỏ bừng. Cô chỉ cảm thấy Phương Nhạc đúng là kẻ tàn nhẫn, cho nên những miêu tả trước đây có lẽ cũng không thích hợp với anh cho lắm, nhưng hình dung cái sau cũng không phải không phù hợp.

Phương Nhạc không quay đầu lại nên cũng không nhìn ra được người phía sau đi đường vất vả tới cỡ nào, tiếng hít thở hổn hển thô nặng của người đi theo sau cũng không khiến anh dừng lại.

Đi được khoảng nửa non đoạn đường, cuối cùng hai người cũng trông thấy có một chiếc taxi trống xuất hiện trên đường cái. Phương Nhạc vẫy tay gọi xe, tài xế taxi làm như không thấy người trước mặt mà lái xe vượt qua anh.

Phương Nhạc không tức giận cũng chẳng than phiền mà chỉ nâng điện thoại lên chụp ảnh ghi nhớ biển số xe sau đó lưu loát gọi một cuộc khiếu nại đến tổng đài. Sau khi nói chuyện điện thoại xong, vừa quay đầu lại đã trông thấy cô gái có vóc dáng nhỏ bé chạy theo phía sau đứng cách anh một khoảng khá xa đang ngửa đầu lên bày ra ánh mắt sáng ngời nhìn anh. Phương Nhạc ngưng một chút, thu hồi điện thoại nói: “Đi thôi.”

Hai người tiếp tục một trước một sau chậm rãi bước đi trong tuyết, lại đi được nửa non đoạn đường cuối cùng Phương Nhạc cũng gọi được một chiếc xe taxi. Phương Nhạc ngồi vào vị trí ghế lái phụ, Trần Hề đẩy vali hành lý lên khoang sau xe rồi cũng ngồi xuống theo.

Trong xe không mở nhạc cũng không có ai nói chuyện cho nên khi có người phát ra một tiếng động nhỏ sẽ nghe thấy rất rõ ràng. Xe vừa chạy được một lúc, Phương Nhạc chợt nghe thấy tiếng lầm bầm thì thầm không phát rõ thành tiếng. Anh nhìn về phía kính chiếu hậu thấy người trong gương vóc dáng nhỏ gầy, chỉ có đôi tay nhỏ bụ bẫm, đối phương đang vừa xoa đôi tay bị đông lạnh đến đỏ bừng sưng to để sưởi ấm vừa chuyên chú nhìn ra ngoài cửa sổ xe, trong miệng cô đang thì thầm không nói rõ thành tiếng tên những biển chỉ đường và tên toà nhà.

Trần Hề đang làm quen đường xá.

Đi bộ mất khoảng chừng bốn mươi phút nhưng lái xe thì không mất nhiều thời gian cho lắm. Hiện tại đường tuyết khó đi, nửa đoạn đường sau xe taxi chạy rất cẩn thận. Dày vò suốt cả một đường cuối cùng cũng chạy về đến nhà nhưng đã qua giờ cơm trưa.

Đôi tất của Trần Hề đã bị ướt, cô đặt chiếc giày thể thao đã bị ướt dầm của mình sang một bên, sau đó xách theo vali hành lý đi về phòng ngủ tầng hai trước. Phương Nhạc vẫn không duỗi tay giúp người như cũ, anh treo chiếc túi đeo chéo cùng chiếc áo lông vũ lên sau đó đi vào phòng bếp uống nước, trong phòng bếp còn sót lại vài miếng bánh mì nướng, anh cầm lên cắn hai ba miếng là đã hết sạch.

Phương Nhạc lấy tờ rơi ra gọi cơm hộp nhưng chắc hẳn trời đổ tuyết nên cửa hàng đã đóng cửa, điện thoại chậm chạp không có ai nghe máy. Trong tiếng bíp bíp vô hồn đột nhiên truyền đến tiếng bước chân nhẹ nhàng, Phương Nhạc nhướng mí mắt lên.

Trần Hề đã cởi áo khoác ngoài ra, hiện tại trên người chỉ mặc một chiếc áo len cao cổ màu vàng, trước ngực áo len còn thêu một quả anh đào nhỏ màu đỏ. Cô thò đầu qua nhìn trông thấy mấy tờ rơi gọi cơm hộp, đối mặt với ánh mắt của Phương Nhạc, cô nhỏ giọng nói: “Trong nhà có đồ ăn không, hay là để tôi nấu cho?”

Phương Nhạc: “…”

Anh có thể nhìn ra được ánh sáng từ cặp mắt tròn xoe kia của Trần Hề đang gào thét lên đòi ăn.

Chương 3

Chương 5

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *